Linh hoạt lãi suất điều hành

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:52, 19/05/2023

(BKTO) - Lạm phát nước ta từ đầu năm 2023 đến nay chỉ tăng 0,39% và lần đầu tiên CPI tháng 4 âm 0,34%. GDP của Việt Nam quý I/2023 chỉ tăng 3,32%, là mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2011-2023. Những thông số này cho thấy tăng trưởng nước ta bắt đầu chậm lại. Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vậy, đây đã đến thời điểm tốt để thực hiện chính sách tiền tệ “mềm mỏng” hơn thay vì “chặt chẽ” để doanh nghiệp và nền kinh tế bớt khó.
lai-suat-0651.jpeg
NHNN đã khá linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất điều hành. Ảnh sưu tầm

Ở Việt Nam hiện nay, trong số các biện pháp tài chính, tiền tệ nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiện nay, thì giảm lãi suất cho vay đang trở thành nhu cầu khẩn thiết từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Các điều kiện giảm lãi suất cũng đang hội tụ, chín muồi: Trên thế giới, xu hướng tăng lãi suất và lạm phát đã giảm dần; tốc độ tăng trưởng kinh tế và hoạt động thương mại, tổng cầu có khả năng thanh toán chung chậm hẳn... Ở trong nước thì cầu tín dụng đang rất thấp trước lãi suất thực tế vay tín dụng ngân hàng thương mại đang quá cao, bào mòn lợi nhuận và vượt quá sức chịu đựng của cộng đồng doanh nghiệp; tốc độ tăng trưởng chung nền kinh tế và nhiều ngành, nhiều địa phương sụt giảm mạnh; cầu và dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm trong khi thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng dồi dào, lượng tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh; số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản cao hơn hoặc xấp xỉ số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động...

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khá linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất điều hành phù hợp với xu hướng lạm phát và lãi suất trên thế giới...                                                            

Trước áp lực lạm phát và tăng lãi suất của thế giới trong năm 2022, NHNN đã có 2 lần tăng các mức lãi suất điều hành, với tổng mức tăng 2% và 2 lần tăng lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng (ngày 23/9 và ngày 25/10/2022) với mức tăng 0,8-2%/năm; tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022).

Tác động mặt trái của việc tăng lãi suất điều hành, huy động và cho vay nêu trên làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, hạn chế đầu tư và tiêu dùng xã hội, thu hẹp sản xuất, tăng phá sản doanh nghiệp, đình trệ nền kinh tế và thất nghiệp, giảm thu nhập của doanh nghiệp, người lao động và giảm thu ngân sách nhà nước trong khi làm tăng gánh nặng nợ xấu, khó đòi cho ngân hàng và lãi huy động trái phiếu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, còn làm tăng chi phí cơ hội đầu vào và tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy.

Trước các hệ lụy tiêu cực đó và khi các áp lực lạm phát, tăng lãi suất thế giới giảm tải, từ ngày 14/3/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành, bao gồm: Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Lãi suất tối đa đã giảm từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và từ 6,5%/năm xuống còn 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Đặc biệt, từ ngày 03/4/2023 NHNN tiếp tục giảm các lãi suất điều hành từ 0,3-0,5%. Việc NHNN linh hoạt nâng hoặc giảm biên độ, lãi suất điều hành đã và đang mang lại kết quả tích cực, góp phần củng cố niềm tin của thị trường vào sự ổn định VND và hoạt động điều hành của NHNN.

Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi và cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi thời gian tới NHNN sẽ cân nhắc, đánh giá các điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay như khẳng định của Thống đốc NHNN ngày 11/5/2023.

Lợi ích từ việc giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ không tự động thể hiện trong giảm lãi suất cho vay nếu NHNN không gắn việc giảm lãi suất điều hành này với việc tạo áp lực và động lực buộc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, cho vay thương mại của họ. Thực tế cho thấy, trong khi lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giảm mạnh so với thời đỉnh điểm hồi tháng 01/2023 thì lãi suất cho vay tín dụng thương mại vẫn giảm chậm.

Cần lưu ý rằng, trong khi điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ giảm mạnh lãi suất cho vay trên thị trường xuống mục tiêu cộng đồng doanh nghiệp mong đợi là không quá 10% trong thời gian tới, thì NHNN vẫn phải thận trọng và chủ động cập nhật tình hình, bám sát và dự báo tốt các động thái lãi suất và lạm phát thế giới để chủ động kịch bản, có phản ứng chính sách phù hợp nhất ứng phó với tình hình theo nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”...

Mềm mỏng điều hành lãi suất trong sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để phấn đấu giảm lãi suất và duy trì động lực vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế... đã, đang và sẽ tiếp tục là yêu cầu, thước đo, cách thức quan trọng nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, sự ổn định, tăng trưởng lành mạnh thị trường tài chính - tiền tệ và toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.../.

TS. NGUYỄN MINH PHONG