Hóa giải những thách thức khi áp dụng IFRS 13
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 19:52, 19/05/2023
Thưa bà, IFRS 13 đã và đang được các DN rất quan tâm. Theo bà, việc áp dụng chuẩn mực này có ý nghĩa như thế nào đối với DN?
Trước hết, phải khẳng định rằng, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đang diễn ra tương đối tích cực mặc dù còn chưa đến giai đoạn áp dụng bắt buộc theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Đặc biệt, đối với IFRS 13 về xác định giá trị hợp lý, Chuẩn mực này được ban hành năm 2011, cung cấp hướng dẫn về cách đo lường giá trị hợp lý cho các công cụ tài chính, tài sản và nghĩa vụ phi tài chính.
IFRS 13 giúp nâng cao tính minh bạch và nhất quán trong việc đo lường giá trị hợp lý bằng cách thiết lập một khung làm việc chung và hướng dẫn cụ thể, cho phép người dùng thông tin tài chính đưa ra quyết định có căn cứ hơn và tạo điều kiện so sánh giữa các công ty. IFRS 13 cũng góp phần nâng cao quản lý rủi ro bằng cách yêu cầu các DN đánh giá và thuyết minh rủi ro liên quan đến việc đo lường giá trị hợp lý.
Để có thể tận dụng được những lợi ích từ IFRS 13, các DN cần hóa giải những thách thức nào, thưa bà?
Việc áp dụng IFRS 13 đối với các DN còn nhiều thách thức: Thứ nhất, việc sử dụng đơn vị định giá độc lập sẽ nâng cao tính độc lập và độ tin cậy của kết quả định giá, nhất là các định giá có tính chất phức tạp, đòi hỏi các chuyên gia có kinh nghiệm và năng lực chuyên sâu trong một lĩnh vực. Tuy nhiên, việc này có thể phát sinh chi phí cao hơn so với chuyên gia nội bộ của DN. Trong khi đó, việc sử dụng chuyên gia nội bộ của DN có thể đảm bảo sự linh hoạt, tính bảo mật thông tin cũng như tiết kiệm chi phí. Việc lựa chọn giữa thuê đơn vị định giá độc lập hay sử dụng đội ngũ chuyên gia nội bộ đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ phía DN và nó phụ thuộc vào tính phức tạp của tài sản/DN được định giá, sự độc lập và khách quan cần thiết, ngân sách và khả năng của DN.
Thứ hai, chất lượng của các đơn vị định giá không đồng đều. Hiện nay, chưa có nhiều thông tin thống kê toàn diện hoặc xếp hạng về năng lực của các đơn vị định giá. Điều này khiến việc đánh giá và lựa chọn các đơn vị định giá uy tín và đáng tin cậy đáp ứng yêu cầu về đo lường giá trị hợp lý theo IFRS 13 trở nên khó khăn. Để giải quyết thách thức này, sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý, tổ chức chuyên nghiệp và các hiệp hội là vô cùng quan trọng, nhằm thiết lập các cơ sở dữ liệu toàn diện, hệ thống xếp hạng cho các đơn vị định giá. Điều này sẽ tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy sự chuyên nghiệp và cung cấp cho các công ty các nguồn thông tin đáng tin cậy để xác định các đơn vị định giá có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của IFRS 13. Ngoài ra, khi lựa chọn đơn vị định giá, các công ty cần xem xét các yếu tố như: Trình độ, kinh nghiệm, uy tín trong ngành và tuân thủ các tiêu chuẩn chuyên nghiệp.
Thứ ba, các DN có thể hạn chế trong việc tiếp cận các chỉ số kinh tế vĩ mô, giá hàng hóa đầu vào phục vụ việc đo lường giá trị hợp lý hoặc các chỉ số này chưa mang tính đại diện cho thị trường. Để đáp ứng yêu cầu của IFRS 13, DN cần tìm kiếm và sử dụng các nguồn thông tin thay thế hoặc phương pháp thay thế.
Thứ tư, trong quá trình xác định giá trị hợp lý theo IFRS 13, DN có thể áp dụng các tiêu chuẩn thẩm định giá. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và trong nước có thể có những khác biệt. Việc này có thể dẫn đến kết quả thẩm định giá khác nhau, ảnh hưởng đến việc xác định giá trị hợp lý của DN. Mục đích của IFRS 13 là cung cấp một khung hướng dẫn được chấp nhận toàn cầu cho việc đo lường giá trị hợp lý. Vì vậy, theo thông lệ, DN thường áp dụng tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế cho mục đích lập báo cáo tài chính theo IFRS. Hiện nay, các hướng dẫn cụ thể trong việc lựa chọn và sử dụng tiêu chuẩn thẩm định giá tại Việt Nam cho việc lập báo cáo tài chính theo IFRS vẫn chưa có.
Cuối cùng, thách thức lớn nhất là đo lường giá trị hợp lý sẽ cần rất nhiều xét đoán chủ quan của chính DN, chuyên gia định giá và các bên liên quan. Việc áp dụng các ước lượng và giả định cũng là yếu tố quan trọng trong việc đo lường giá trị hợp lý. Các ước lượng và giả định này có thể liên quan đến tỷ lệ chiết khấu, mức độ rủi ro, dòng tiền thu nhập dự kiến, thời gian sử dụng của tài sản. Điều này đặt ra thách thức trong việc đảm bảo tính nhất quán và đáng tin cậy trong việc đo lường giá trị hợp lý theo IFRS 13. Sự khác biệt trong các xét đoán và phương pháp định giá có thể dẫn đến kết quả khác nhau giữa các DN và các chuyên gia định giá. Đồng thời, các ước lượng và giả định không chính xác hoặc không phù hợp có thể dẫn đến các sai sót và không chính xác trong báo cáo tài chính. Để vượt qua thách thức này, các công ty cần quản lý rủi ro và kiểm soát chặt chẽ quy trình đo lường giá trị hợp lý.
Như bà vừa chia sẻ, chi phí khi lựa chọn công ty định giá là một rào cản lớn đối với DN. Bà có khuyến nghị gì để các DN vượt qua rào cản này?
Chi phí khi lựa chọn công ty định giá là một rào cản lớn khi áp dụng IFRS, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa (SMEs). Vì vậy, khi bắt đầu áp dụng IFRS, các DN cần lên kế hoạch và lập ngân sách phù hợp, không chỉ về chi phí mà còn về nguồn lực con người và thời gian.
Việc rà soát định kỳ, kiểm soát nội bộ và kiểm toán độc lập có thể giúp nâng cao tính tin cậy và độ chính xác của việc đo lường giá trị hợp lý, thúc đẩy tính nhất quán trong báo cáo tài chính
Bà Lương Thị Ánh Tuyết - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán PwC Việt Nam
Bên cạnh đó, DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng và so sánh giữa các công ty định giá khác nhau để tìm ra sự kết hợp tốt nhất giữa chất lượng và giá trị, đánh giá các dịch vụ và giá cả, đảm bảo lựa chọn một công ty định giá phù hợp với ngân sách và nhu cầu kinh doanh của công ty. DN cũng nên xem xét xây dựng và phát triển nhóm chuyên gia định giá nội bộ để thực hiện công việc định giá. Điều này giúp giảm chi phí bên ngoài và tăng tính linh hoạt trong việc định giá theo IFRS 13. Ngoài ra, DN có thể tìm hiểu các phương pháp và công cụ định giá trên thị trường dành cho các SMEs giúp đơn giản hóa quy trình đánh giá và tiết kiệm chi phí.
Xin trân trọng cảm ơn bà!