Có cần sửa luật quy hoạch?

Pháp luật - Ngày đăng : 21:43, 19/05/2023

(BKTO) - Vừa qua, có ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Quy hoạch với lý do một số quy định của Luật còn chưa cụ thể, dẫn đến khó thực hiện. Vậy, việc sửa Luật ở thời điểm này có thực sự cần thiết hay không?
2(1).jpg
Cơ quan chức năng cần rà soát lại các quy định, bổ sung hướng dẫn các điều khoản trong Luật. Ảnh minh họa

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực thi hành năm 2019. Đây là công cụ quản lý nhà nước về quy hoạch, trong đó quy định về yêu cầu và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương trong quản lý quy hoạch, quản lý kinh tế - xã hội theo quy hoạch.

Chậm trễ trong triển khai Luật Quy hoạch

Theo đánh giá, Luật Quy hoạch 2017 có hai nội dung rất quan trọng là: Điều 57 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động quy hoạch và Điều 59 quy định chuyển tiếp. Đây là nội dung mới và phù hợp với thực tế khi đã tính tới việc điều chỉnh nhiều luật liên quan như: Luật Dự trữ quốc gia, Luật Công nghệ thông tin, Luật Thú y, Luật Giáo dục, Luật Viễn thông... Các điều khoản có liên quan đến quy hoạch đã được chỉnh sửa để đảm bảo tính đồng bộ nên Luật Quy hoạch tương đối thống nhất với các Luật đã và sẽ ban hành.

Bên cạnh đó, Luật quy định khá đầy đủ về phương pháp xây dựng quy hoạch, tư vấn, thẩm định và thực hiện quy hoạch. Đây là những nội dung thiên về kỹ thuật mang tính nghiệp vụ, khoa học mà các chuyên gia, các nhà khoa học phải áp dụng cho từng loại quy hoạch (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch chuyên ngành...), trong từng công đoạn trên cơ sở tuân thủ những quy định mang tính chế định, nguyên tắc. Vì thế, có thể khẳng định rằng, Luật Quy hoạch mới qua 4 năm thực hiện nên chưa cần thiết đặt ra việc sửa Luật.

Qua 4 năm Luật Quy hoạch có hiệu lực, có thể thấy rằng, vẫn còn sự chậm trễ trong triển khai Luật cũng như trong xây dựng, phê duyệt và công bố các quy hoạch. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân chính không xuất phát từ Luật Quy hoạch nên chưa cần thiết phải sửa đổi Luật.PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Thay vào đó, cần thấy rằng, đang có sự chậm trễ trong triển khai Luật, xây dựng, phê duyệt và công bố các quy hoạch do nhiều nguyên nhân như: Nhận thức về Luật Quy hoạch chưa đầy đủ, chưa thống nhất, thậm chí hiểu sai, hiểu không đầy đủ về một số quy định của Luật do thiếu những hướng dẫn cụ thể.

Không ít trường hợp còn thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, chưa kịp thời phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai Luật ở các cấp. Nhà nước, một số Bộ, ngành, địa phương chưa tập trung trí tuệ, nguồn lực, siết chặt kỷ cương, quyết tâm chính trị nên việc triển khai Luật còn mang tính hình thức, lấy lệ, dẫn đến chất lượng quy hoạch không cao; lúng túng về phương pháp và quy trình triển khai thi hành Luật.

1dggfh.jpg
PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Đảm bảo tuân thủ và ý thức kỷ luật khi thi hành Luật

Để khắc phục vướng mắc trong nhận thức, hiểu biết khi triển khai Luật Quy hoạch, trước tiên, cơ quan chức năng cần rà soát lại các quy định, bổ sung hướng dẫn, giải thích các điều khoản trong Luật. Trên thực tế, nhận thức về một số quy định của Luật Quy hoạch còn chưa được thống nhất, đặc biệt là giữa những người làm quy hoạch, người thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều này gây ra sự chậm trễ và ảnh hương không nhỏ đến chất lượng các quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành và quy hoạch vùng.

Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ động ban hành nghị quyết giải thích một số nội dung cần được nhận thức thống nhất như những nội dung liên quan đến căn cứ xây dựng quy hoạch, vấn đề tư vấn, sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xây dựng quy hoạch, hay vấn đề hoàn chỉnh, điều chỉnh, công khai quy hoạch, sử dụng quy hoạch đã có, tích hợp các quy hoạch vào quy hoạch chung... Đây là nhiệm vụ thuộc chức năng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo luật định và cần được nghiên cứu triển khai sớm, thay vì suy nghĩ theo hướng sửa đổi Luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, tránh tình trạng việc ban hành các hướng dẫn còn chậm, đảm bảo kiểm tra việc tuân thủ các quy định về thủ tục, trình tự. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh, thành phố, quy hoạch các ngành, chuyên ngành đều có tính đặc thù riêng.

Vì vậy, Luật không thể quy định về phương thức, kỹ thuật, cách thức lập, thẩm định, công bố cho tất cả các quy hoạch. Chính phủ cần có sự hướng dẫn chi tiết, phù hợp từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực và từng loại quy hoạch. Đồng thời, tổ chức các hoạt động đào tạo, huấn luyện về phương pháp xây dựng quy hoạch, tư vấn, thẩm định, đánh giá theo từng loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ xây dựng những đơn vị điểm, chọn quy hoạch điểm, rút kinh nghiệm để phổ biến, nhân rộng. Không có quy hoạch độc lập hoàn toàn, mà phải là quy hoạch có tính liên thông và tích hợp, kể cả quy hoạch ngành hay quy hoạch tỉnh, vùng. Do đó, cần có cơ chế để chia sẻ thông tin, đảm bảo tính liên kết thì mới làm được quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, liên ngành.

Cùng với đó, dựa trên nền tảng là Luật Quy hoạch đã được ban hành, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ chất lượng quy hoạch bởi quy hoạch mà không thực tế còn tệ hại hơn là không có quy hoạch. Chất lượng quy hoạch phải được thể hiện thông qua việc áp dụng thực tế, tuân thủ pháp luật và phù hợp với loại quy hoạch trong ngắn hạn và dài hạn. Tiêu chí đầu tiên cho một quy hoạch chất lượng là phản ánh đúng thực tế, phù hợp với địa phương/ngành và có tính tới những biến động, thay đổi trong tương lai./.

PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán