Làm rõ trách nhiệm trong chậm phân bổ vốn đầu tư công

Chính trị - Ngày đăng : 08:02, 22/05/2023

(BKTO) - Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu gây nên sự chậm trễ trong phân bổ vốn đầu tư công.
190520230905-cqh_3345.jpg
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm trao đổi với phóng viên báo chí tại họp báo. Ảnh: VPQH

Sáng 19/5, tại buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm đã thông tin đến báo chí một số nội dung liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến nội dung này, ông Lâm cho biết, Nghị quyết của Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Chính phủ phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trước ngày 31/3/2023. Tuy nhiên, quá trình triển khai chậm trễ, nên sau ngày 31/3, vẫn còn lượng vốn rất lớn của chưa được phân bổ theo Nghị quyết của Quốc hội.

“Về nguyên tắc, số vốn không phân bổ được theo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ không phân bổ tiếp và vốn đầu tư công trung hạn thì sẽ đưa vào dự phòng ” - ông Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đây là số tiền rất lớn, nếu không được triển khai đưa vào dự phòng thì quá trình tổ chức triển khai phân bổ số vốn này sẽ bị kéo dài thêm, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng cường giải ngân đầu tư công - giải pháp đột phá giúp tăng trưởng, phục hồi kinh tế.

Với quan điểm như vậy, trong điều kiện nhiều dự án đã chuẩn bị đủ điều kiện nên các cơ quan tham mưu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhất trí trình Quốc hội xem xét theo hướng những dự án nào đủ điều kiện thì cho phân bổ, còn những trường hợp nào chưa đủ điều kiện thì sẽ đưa vào dự phòng. “Đây là vấn đề xử lý tình huống rất cần thiết phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra” - ông Trần Văn Lâm cho biết.

Về số vốn cụ thể, ông Trần Văn Lâm nêu rõ, vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đã phân bổ 161,8 nghìn tỷ, còn lại chưa phân bổ là hơn 14 nghìn tỷ đồng. Trong số này, tới đây, nếu Quốc hội đồng ý sẽ giao tiếp hơn 13 nghìn tỷ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư, còn lại hơn 700 tỷ đồng chưa đủ thủ tục thì huỷ dự toán.

Đối với vốn đầu tư công trung hạn, số chưa phân bổ còn gần 280 nghìn tỷ đồng, và phần lớn trong số này sẽ được tiếp tục xem xét phân bổ nếu đầy đủ điều kiện, thủ tục.

Liên quan đến trách nhiệm, ông Lâm nêu rõ, việc để chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư là hạn chế rất lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng một cách hiệu quả và đây cũng là lãng phí.

“Chúng tôi kiến nghị Quốc hội xem xét, đề nghị Chính phủ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, nhất là người đừng đầu, báo cáo với Quốc hội về từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ” - ông Trần Văn Lâm nêu rõ./.

Đ. KHOA