Ba thông điệp của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:48, 22/05/2023
Phiên họp có sự tham dự của các nhà lãnh đạo G7 và các nước khách mời. Các nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận các biện pháp thúc đẩy hòa bình, ổn định trên toàn cầu, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững và thịnh vượng của mọi quốc gia.
Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật 3 thông điệp của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển.
Thứ nhất, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển vừa là nền tảng thiết yếu, vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực. Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể về các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển; hòa bình là nền tảng, đoàn kết, hợp tác là động lực, phát triển bền vững là mục tiêu.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhờ có hòa bình, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại; mong muốn chấm dứt xung đột, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh con người.
Thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên. Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải.
Đối với khu vực, Thủ tướng mong muốn cộng đồng quốc tế và các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và tự cường. Theo đó, các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.
Thứ ba, Thủ tướng khẳng định sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Với Việt Nam, các giá trị đó thể hiện qua việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Các nhà lãnh đạo G7 và khách mời chia sẻ quan điểm về các vấn đề thời sự quốc tế có tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực và toàn cầu; khẳng định cam kết cùng hành động để giải quyết các thách thức, kiềm chế leo thang căng thẳng tại các điểm nóng địa chính trị trên toàn cầu.
Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế đóng vai trò nền tảng trong bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững; kêu gọi các nước đề cao trật tự quốc tế tự do, rộng mở dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tuân thủ Hiến chương của Liên Hợp Quốc.
Phiên họp đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và khẳng định lại quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế UNCLOS 1982.
Cũng trong sáng 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước khách mời đã tới thăm Công viên Tưởng niệm Hòa Bình tại Thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và tỉnh Hiroshima tổ chức.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên cơ sở chân thành, tình cảm, tin cậy, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, trên thế giới và vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Về đầu tư, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỷ USD và đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện...; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh. Đây là những ngành, lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.
Đồng thời, Thủ tướng mong muốn phía Nhật Bản, các nhà đầu tư tích cực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cả 5 khía cạnh (thể chế, vốn, công nghệ, nhân lực, quản trị), đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, theo xu hướng xanh hóa, giảm phát thải.
Sắp tới, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Nhật tích cực tham gia cùng Việt Nam trong quá trình tổng kết 35 năm thu hút đầu tư FDI, đóng góp tích cực hơn nữa cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, đơm hoa kết trái, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Cũng trong chiều 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Tổng thống Brazil Lula Da Silva.
Trước đó, chiều 20/5, trong khuôn khổ Hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden; gặp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel…/.