Đề xuất tăng hơn 288 tỷ đồng đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét

Đầu tư - Ngày đăng : 18:40, 22/05/2023

(BKTO) - Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 874,089 tỷ đồng (tăng 288,442 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14.
ong-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Thúc đẩy giải ngân vốn

Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (Dự án).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt.

Nhằm sớm đưa Dự án vào triển khai, đáp ứng sự cần thiết đầu tư, thúc đẩy giải ngân, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Cụ thể là điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 874,089 tỷ đồng (tăng 288,442 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14.

Về nguồn vốn thực hiện Dự án, do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án, Chính phủ đề nghị Đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 (47,299 tỷ đồng) đến hết ngày 31/12/2023, để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện Dự án.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh diện tích sử dụng đất của Dự án thành 697,73 ha (tăng 4,42 ha). Đồng thời, cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện thành từ năm 2019-2025 (tăng thêm 01 năm so với chủ trương của Quốc hội).

Để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung cơ chế đặc biệt giao UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư Dự án tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tính toán kỹ lưỡng chi phí để bảo đảm khả thi

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư để Dự án sớm được triển khai, đi vào hoạt động; đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Theo cơ quan thẩm tra, tổng mức đầu tư cho Dự án tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan từ việc cập nhật theo các quy định pháp luật mới, do trượt giá, bổ sung giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn công trình trong quá trình khảo sát báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt đầu tư Dự án.

Do đó, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án là cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các khoản mục chi phí để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện Dự án. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện về căn cứ, phương pháp xác định, tính chính xác của các số liệu trong nội dung cấu thành chi phí, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, cần đánh giá thêm các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thay đổi các giải pháp kỹ thuật so với thiết kế ban đầu, chậm hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt dự án, dẫn đến chậm tiến độ, qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Dự án sau này.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, nếu được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn dự phòng trung ương năm 2016 thì tỉnh Bình Thuận sẽ có thêm nguồn lực để triển khai Dự án. Mặt khác, Bình Thuận là tỉnh nghèo, hiện đã phải cắt giảm nhiều nhiệm vụ cần thiết khác để tập trung nguồn lực dự phòng giai đoạn 2021- 2025 cho Dự án, rất khó khăn mới có thể bố trí nguồn lực bổ sung từ kinh phí địa phương cho Dự án này.

Do đó, đa số ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng NSTW năm 2016 của Dự án đến hết ngày 31/12/2023.

Tán thành đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2025, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý, nếu được Quốc hội chấp thuận cho gia hạn, thời gian còn lại để triển khai Dự án không nhiều, do đó đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cần khẩn trương, tập trung chỉ đạo phân công, phối hợp triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ điều chỉnh./.

Đ. KHOA