Thị trường lao động có khởi sắc?

Xã hội - Ngày đăng : 11:00, 23/05/2023

(BKTO) - Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường lao động sẽ khởi sắc vào nửa cuối năm 2023. Tuy vậy, bên cạnh một số ngành tăng nhu cầu tuyển dụng, vẫn có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm.
san-pham-dien-tu.jpg
Sản xuất sản phẩm điện tử được dự báo là một trong những ngành tăng nhu cầu về lao động. Ảnh: Internet

Lao động, việc làm - nơi thừa, nơi thiếu

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) dự báo thị trường lao động quý II/2023 có 51,25 triệu người có việc làm, tăng 150.000 người so với quý I/2023.

Dự báo một số ngành có nhu cầu tăng lao động, đó là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 28.200 người; ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 18.600 người; sản xuất đồ uống tăng 4.700 người.

Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH dự báo có 3 ngành sẽ giảm việc làm trong quý II/2023. Cụ thể, ngành may trang phục giảm 38.100 người; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 38.000 người; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người.

trang-phuc.jpg
Dự báo, ngành may trang phục sẽ giảm việc làm trong thời gian tới. Ảnh: Internet

Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, tính đến hết tháng 3/2023, toàn TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 44.573/162.000 lao động, đạt 27,5% kế hoạch năm. Sau dịch Covid-19, đã có sự biến động rất mạnh mẽ của lực lượng lao động và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì thế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng hướng vào nhóm đối tượng có thể làm việc ứng dụng nhiều công nghệ thông tin.

Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Hoàng Hiếu - Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh - cho biết, quý II/2023, thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.

Theo đó, dự báo nhu cầu nhân lực quý II/2023 cần khoảng 67.000 - 73.000 vị trí việc làm, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm (chiếm 21,05% tổng nhu cầu). Trong đó, ngành cơ khí chiếm 6,03%, điện tử công nghệ thông tin chiếm 6,96%, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 4,11%, hóa dược - cao su chiếm 3,95%.

Ngoài ra, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,92% tổng nhu cầu nhân lực. Trong khi đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp - 13,08% tổng nhu cầu nhân lực.

Hỗ trợ phục hồi thị trường lao động

Nhận định về xu hướng thị trường lao động thời gian tới, ông Gaku Echizenya - Tổng Giám đốc Navigos Group (Tập đoàn sở hữu trang tuyển dụng lớn tại Việt Nam) - cho biết, nhiều tín hiệu kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc vào 2 quý cuối năm 2023. Nhờ có lợi thế của các hiệp định thương mại, các nhãn hàng đều cam kết vẫn tiếp tục gia công ở Việt Nam, đây là tín hiệu tốt về cơ hội phục hồi của thị trường lao động trong nửa cuối năm 2023.

Vì thế, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để duy trì việc làm ổn định nhằm giữ chân người lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi thời gian tới…

Mặc dù vậy, để thị trường lao động phục hồi bền vững, giới chuyên gia cho rằng, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động việc làm, coi đó là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế.

Việc hình thành một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững. Hai vấn đề này phải tiến hành đồng bộ.

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, để bảo đảm thị trường lao động, việc làm luôn giữ vững tính ổn định và phát triển, các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm, đồng thời giúp các doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Song song với đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tuyên truyền nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm chuyên đề, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường lao động nhằm tìm ra chính sách phù hợp, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Hiện nay, nhằm đảm bảo phát triển bền vững thị trường lao động, Bộ LĐTBXH đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, tạo nhiều việc làm bền vững; đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động…/.

THÀNH ĐỨC