Lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực

Đối nội - Ngày đăng : 14:55, 23/05/2023

(BKTO) - Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chưa sát thực tế; quản lý, sử dụng NSNN còn một số hạn chế; số chi chuyển nguồn lớn làm lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
tiet-kiem.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội  trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Ảnh: VPQH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, năm 2022, công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng. Chính phủ tiếp tục tiết kiệm triệt để chi NSNN; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Kết quả, đã tiết kiệm 53.887 tỷ đồng. Nhiều Bộ, ngành, địa phương có kết quả tiết kiệm cao, như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập gây lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN.

Đó là, dự toán thu NSNN năm 2022 được xây dựng khá thận trọng, chưa sát với thực tế; tỷ trọng thu ngân sách trung ương (NSTW) có xu hướng giảm trong tổng thu NSNN làm ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của NSTW và việc cân đối nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia.

Cơ cấu thu NSNN chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ tiền sử dụng đất, dầu thô, xổ số kiến thiết; một số khoản thu đạt thấp, nhất là thu từ hoạt động sắp xếp lại DNNN.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra đã chỉ ra nhiều lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư.

Theo đó, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư.

Việc phân bổ, giao vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa bảo đảm tiến độ quy định. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra; trong đó, tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, còn nhiều lãng phí do việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường, là nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình.

Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt, nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đơn giá, dự toán dẫn đến làm thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại dự án

Trong việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, do chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ trong quá trình xây dựng một số chính sách chưa sát thực tế; công tác tổ chức thực hiện một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến.

Điển hình như chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại có kết quả triển khai rất thấp, đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực (40.000 tỷ đồng).

Chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạt dư nợ 16.400 tỷ đồng, bằng 42,7% tổng quy mô chính sách, 4/5 chương trình chính sách dự kiến không sử dụng hết 16.865 tỷ đồng/38.400 tỷ đồng nguồn vốn của chương trình.

Cùng với đó, việc triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.

Việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng…

Đáng chú ý, tình trạng chi chuyển nguồn lớn, có năm lớn hơn hoặc xấp xỉ số vay bù đắp bội chi NSNN và vay trả nợ hằng năm cho thấy lãng phí trong huy động, sử dụng nguồn lực.

Một số Bộ, cơ quan trung ương chuyển nguồn kinh phí không còn nhiệm vụ chi qua nhiều năm, chưa kịp thời kiến nghị giảm dự toán, thu hồi nộp NSNN - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.

Quỹ Bình ổn xăng dầu thiếu công khai, minh bạch

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ, những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong tổ chức quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm được khắc phục.

tc.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

Cụ thể là, chậm rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý để quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN. Việc rà soát, sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 chưa được quan tâm; chưa đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế cho thấy, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do doanh nghiệp quản lý nhưng lại được trích lập và sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước.

Nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, không có cơ sở thuyết phục để quy định mức trích lập, mức chi cho từng sản phẩm xăng, dầu tại mỗi kỳ điều hành, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp.

Việc quản lý, sử dụng Quỹ còn thiếu công khai, minh bạch, chưa chặt chẽ, rõ ràng; việc sử dụng Quỹ không đạt được các mục tiêu đề ra, chưa thể hiện đúng bản chất của Quỹ - ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Đồng thời, qua giám sát tại các địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý hầu hết có quy mô nhỏ, được thành lập bằng các văn bản dưới luật.

Mỗi quỹ có quy định về quy chế, điều lệ hoạt động riêng; một số quỹ ở địa phương nhưng do cơ quan trung ương quản lý nên địa phương khó đánh giá được hiệu quả hoạt động.

Có quỹ khó huy động nguồn vốn, mức huy động thấp, không đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động; một số quỹ có tính chất, nhiệm vụ, mục tiêu và đối tượng phục vụ giống nhau; một số quỹ không tự đảm bảo được kinh phí hoạt động, quy định về chế độ, định mức chi quản lý không thống nhất...

“Việc duy trì nhiều quỹ tại địa phương trong khi hiệu quả hoạt động của hầu hết các quỹ không cao dẫn đến phân tán, lãng phí nguồn lực” - Báo cáo thẩm tra nêu.

Đ. KHOA