Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp
Đối nội - Ngày đăng : 21:45, 23/05/2023
Đó là những bất cập được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (Chương trình), diễn ra sáng 23/5.
Những “hạn chế cố hữu”
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhận xét, thời gian qua việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ. Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây còn lớn.
Đại biểu dẫn chứng, năm 2023, Quốc hội đã quyết định sẽ xem xét 15 dự án, gồm thông qua 12 dự án luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến vào 2 dự án luật. Nhưng đến nay, các cơ quan lại trình Quốc hội bổ sung 16 dự án, dự thảo vào Chương trình năm 2023. Như vậy, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn số dự án đã được Quốc hội quyết định.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) chỉ rõ, việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là một trong những “hạn chế cố hữu” của hoạt động lập pháp. Theo đại biểu, điều này thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa.
“Việc điều chỉnh thường xuyên không khác gì người lái ô tô cứ thỉnh thoảng lại đỗ lại để sửa xe, như thế làm sao chúng ta đi được thông suốt. Việc thay đổi thường xuyên Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm chứa đựng, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro là sự chín muồi trong các kiến nghị lập pháp không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” - đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Hạn chế tiếp theo được đại biểu Vân chỉ ra là chất lượng các đạo luật chưa cao, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Nhưng nghị định, thông tư cũng không cụ thể và cuối cùng là người áp dụng pháp luật dễ dẫn đến tùy tiện và hậu quả của nó là làm khổ người dân, làm khổ doanh nghiệp.
Cùng với đó là kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn "cài cắm" lợi ích.
Có chung nhận xét việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh đưa vào, rút ra còn nhiều so với chương trình chính thức đã diễn ra nhiều năm và khá phổ biến, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) nhìn nhận, ngoài yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung thì kỷ luật, kỷ cương lập pháp chưa được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, một số dự án luật gửi đến đại biểu Quốc hội còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.
“Câu chuyện làm luật của chúng ta vẫn có vấn đề gì đó còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, “tuổi thọ” của các dự án luật ngày càng được trẻ hóa, một số dự án luật mới ban hành 2 đến 3 năm lại đem ra để sửa đổi, bổ sung. Đó là những vấn đề biết rồi, khổ lắm, nói mãi mà chưa có liệu pháp chữa trị một cách dứt khoát” - đại biểu Thắng nhận xét và cho rằng, đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, yêu cầu phải được mổ xẻ, có giải pháp khắc phục dứt khoát, căn cơ, không né tránh, không nể nang.
Cần tầm nhìn dài hạn
Để khắc phục những bất cập trên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các cơ quan cần quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị Chương trình có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị, phải sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa, bám vào nội dung nghị quyết Đại hội Đảng mỗi khóa để hoạch định chính sách lập pháp, xác định thứ tự ưu tiên hàng năm và duy trì kỷ cương lập pháp theo chương trình đó. Hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.
Đồng tình với việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải quyết liệt hơn nữa, cơ quan nào vi phạm về thời gian sẽ dừng, không trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Để nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, trước hết Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức rà soát để xem xét chặt chẽ sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật. Các Bộ, cơ quan đề xuất phải làm rõ sự cần thiết, tác động của các chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện, chưa rõ về chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội từ khi nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án luật, phối hợp từ sớm, từ xa để thường xuyên cập nhật dự thảo mới sau khi tiếp thu, chỉnh lý ở từng giai đoạn để có phản ứng nhanh, kịp thời, nhất là trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.