Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 - Kiểm toán nhà nước kiến nghị: Tăng thu, giảm chi 34.595 tỷ đồng

Kiểm toán - Ngày đăng : 10:02, 24/05/2023

(BKTO) - Sáng 24/5, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo Quốc hội về Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021. Đây là tổng hợp kết quả chính từ 360 báo cáo kiểm toán của 190 nhiệm vụ kiểm toán tổ chức trong năm 2022 đối với niên độ ngân sách năm 2021.

1(1).jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2022. Ảnh: PV

Qua kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 34.595 tỷ đồng; kiến nghị khác 37.010 tỷ đồng; KTNN đã chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 832 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Về chi thường xuyên, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, năm 2021, số quyết toán 1.061.316 tỷ đồng, bằng 101,2% dự toán (tăng 12.141 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 42,72% tổng chi cân đối NSNN (2.484.439 tỷ đồng) và 62,13% chi NSNN (1.708.088 tỷ đồng), cao hơn năm 2020, đảm bảo tỷ trọng bình quân nhưng chưa đảm bảo mức phấn đấu theo định hướng tại Nghị quyết số 23/2021/QH14 của Quốc hội. Một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương có tỷ lệ thực hiện khá thấp so với dự toán. Chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, chi sự nghiệp khoa học công nghệ các năm gần đây đều thực hiện không đạt dự toán.

Kết quả kiểm toán cho thấy, một số khoản chi ngân sách trung ương thực hiện không đạt dự toán do đề xuất nhu cầu, tổng hợp, tham mưu phân bổ kinh phí chậm. Ngoài ra, việc xây dựng đơn giá, định mức tại một số đơn vị còn chậm, chưa đầy đủ; việc quản lý nhiệm vụ dự án khoa học và công nghệ: Công tác đề xuất, tuyển chọn, xét chọn nhiệm vụ dự án khoa học và công nghệ còn thiếu sót; việc thực hiện đề tài khoa học còn hạn chế; thời gian thực hiện chưa đảm bảo quy định; chưa thực hiện xử lý đối với trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ không hoàn thành theo quy định; hồ sơ quyết toán chưa đầy đủ, chưa đúng quy định; còn một số tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng, chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học sau khi hoàn thành.

Một số địa phương ngân sách tỉnh hụt thu lớn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh giảm chi tương ứng; chưa xây dựng hoặc chưa trình Thường trực Hội đồng nhân dân để xử lý hụt thu theo quy định hoặc chậm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng phương án trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định; có 11/60 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp với tổng số tiền 57,5 tỷ đồng; 26/60 địa phương sử dụng sai nguồn 1.421,5 tỷ đồng. Tại một số địa phương, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản gắn với nhiệm vụ chi công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP, tuy nhiên, Ủy ban nhân dân các huyện cân đối chung vào dự toán chi thường xuyên chưa đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật NSNN hoặc số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa đã được tỉnh hòa chung vào thu ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi.

Còn tình trạng bố trí dự toán kinh phí thanh toán chi phí vận chuyển rác thải sinh hoạt cho các chủ nguồn thải là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng chi từ nguồn ngân sách; bố trí dự toán kinh phí thực hiện công tác vệ sinh môi trường để làm căn cứ đặt hàng khi chưa xây dựng dự toán số thu dịch vụ vệ sinh môi trường để đối trừ phần ngân sách cấp. Chưa xác định giảm số bổ sung cân đối cho ngân sách cấp huyện đối với phần giảm chi NSNN do sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; chưa nộp NSNN kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại để chi hoạt động thường xuyên theo Công văn số 6299/BTC-NSNN ngày 11/6/2021 của Bộ Tài chính; cấp phát bằng lệnh chi tiền cho một số đơn vị nhưng chưa được cơ quan tài chính các cấp kiểm soát chi theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về thực hiện cải cách tiền lương, trong năm 2011, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu 178,7 tỷ đồng cho 4 địa phương (Sơn La, Hòa Bình, Hậu Giang, An Giang) để thực hiện cải cách tiền lương (CCTL) năm 2020, bổ sung có mục tiêu kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các địa phương 1.424,9 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán tại một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy: Một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập nguồn CCTL, không lập dự toán chi thực hiện CCTL theo quy định; sử dụng nguồn CCTL không đúng quy định; 13/60 địa phương báo cáo chưa đầy đủ nguồn CCTL được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí, thu sự nghiệp khác và nguồn năm trước chuyển sang hoặc xác định vượt nhu cầu CCTL số tiền 1.737 tỷ đồng; trong đó, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm dự toán năm sau 440,7 tỷ đồng; một số đơn vị của 47/60 địa phương chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn CCTL chưa đúng quy định 8.714 tỷ đồng./.

Qua kiểm toán cho thấy, đến ngày 03/3/2023, còn 6 địa phương chưa có báo cáo về nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện CCTL năm 2020, 4 địa phương chưa có báo cáo kết quả thực hiện từng chính sách an sinh xã hội năm 2020 làm cơ sở để Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán ngân sách năm 2021 hỗ trợ ngân sách địa phương (phần kinh phí ngân sách trung ương phải hỗ trợ) theo quy định.

Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật sớm nhất các thông tin liên quan về: Thực hiện cải cách tiền lương; kiểm toán doanh nghiệp; kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020...

PV