Chi chuyển nguồn tiếp tục tăng về quy mô và tỷ trọng

Tài chính - Ngày đăng : 10:51, 24/05/2023

(BKTO) - Số chi chuyển nguồn năm 2021 tiếp tục tăng cả về quy mô và tỷ trọng rất lớn cho thấy việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội chưa nghiêm.
tuan.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021. Ảnh: VPQH

Chuyển nguồn gấp gần 2 lần tổng mức vay

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe các Báo cáo về quyết toán NSNN năm 2021. Tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021.

Theo các báo cáo, một trong những vấn đề đáng chú ý trong quyết toán NSNN năm 2021 là tình trạng chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cả về quy mô và tỷ trọng.

Báo cáo Quốc hội về nội dung này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tổng chi chuyển nguồn 776.351 tỷ đồng, bằng 31,2% tổng chi cân đối NSNN, số chuyển nguồn tiếp tục tăng cao cả về số tương đối và số tuyệt đối so với những năm gần đây.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, số chi chuyển nguồn năm 2021 tiếp tục tăng cả về quy mô và tỷ trọng rất lớn cho thấy việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội chưa nghiêm.

Trong đó, đáng chú ý là số chi chuyển nguồn NSNN (bao gồm cả ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và số kết dư ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2021 lên đến 893.871 tỷ đồng, bằng 52,5% dự toán chi NSNN và gấp gần 2 lần tổng mức vay của NSNN là rất lớn.

Một số địa phương chi chuyển nguồn rất lớn, xấp xỉ dự toán. Điển hình như: Thái Nguyên chuyển nguồn 10.576,8 tỷ đồng/13.023,1 tỷ đồng dự toán; Bắc Giang 11.942,4 tỷ đồng/15.856,6 tỷ đồng dự toán; Hải Phòng 15.162,5 tỷ đồng/26.877 tỷ đồng dự toán; Quảng Ninh 15.353,9 tỷ đồng/13.023,1 tỷ đồng dự toán; Bắc Ninh 14.931,8 tỷ đồng/19.140,9 tỷ đồng dự toán…

Thậm chí, một số địa phương số chi chuyển nguồn còn cao hơn dự toán chi NSĐP (Hà Nội chuyển nguồn 111.809,4 tỷ đồng/97.156,7 tỷ đồng dự toán; Vĩnh Phúc 21.984,3 tỷ đồng/17.819,6 tỷ đồng dự toán; Hà Nam 9.740,9 tỷ đồng/9.510 tỷ đồng dự toán; Ninh Bình 19.540,6 tỷ đồng/15.444,9 tỷ đồng dự toán; Đà Nẵng 15.310,6 tỷ đồng/14.741,8 tỷ đồng dự toán).

Số chuyển nguồn chi đầu tư năm 2021 sang năm 2022 vẫn khá lớn, khoảng 268.351 tỷ đồng, bằng gần 56% dự toán chi đầu tư. Tương tự, số chuyển nguồn chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương cũng rất lớn (48.739,288 tỷ đồng). Cùng với đó, số tạm ứng theo chế độ cả chi đầu tư và chi thường xuyên chưa thu hồi cũng rất lớn.

Nhiều khoản chuyển nguồn chưa đúng quy định

Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cũng chỉ ra nhiều khoản chuyển nguồn không đúng quy định; thông tin, số liệu quyết toán chuyển nguồn chưa đầy đủ, thiếu tin cậy, còn chuyển nguồn cả các khoản chi hết nhiệm vụ chi, hủy dự toán, các khoản chi không đúng quy định...

ph.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ rõ, theo số liệu hạch toán của Kho bạc Nhà nước, trong số chi chuyển nguồn của ngân sách địa phương có nội dung chuyển nguồn “kinh phí khác” 24.259 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán tổng hợp tại Bộ Tài chính cho thấy, một số địa phương có những khoản chi chuyển nguồn chưa được phân tích, thuyết minh chi tiết từng nội dung tương ứng với các mục chi theo quy định của Luật NSNN nên KTNN không xác định được tính đúng đắn đối với nội dung chuyển nguồn “kinh phí khác” này.

Đối với chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 82/2023/QH15 (5.016,674 tỷ đồng), KTNN nêu rõ, việc phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt nghị quyết chuyển nguồn kinh phí còn chậm, sau thời điểm HĐND địa phương phê chuẩn quyết toán NSĐP.

Thực tế, trong 24 địa phương được chuyển nguồn, có trường hợp địa phương không còn nhu cầu chuyển nguồn. Mặt khác, ngoài 24 địa phương được chuyển nguồn theo Nghị quyết số 82/2023/QH15, có một số địa phương HĐND đã quyết nghị chuyển nguồn kinh phí này (hạch toán trong nội dung chuyển nguồn “kinh phí khác”).

Sau khi kết thúc kiểm toán, Bộ Tài chính đã phối hợp với 24 địa phương rà soát việc chuyển nguồn kinh phí Covid-19; kết quả rà soát có 17 địa phương có nhu cầu chuyển nguồn toàn bộ hoặc một phần, với tổng số tiền 2.937,193 tỷ đồng và được Chính phủ trình Quốc hội cho phép tổng hợp vào báo cáo quyết toán NSNN năm 2021.

KTNN kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, làm rõ để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xử lý theo quy định đối với một số khoản chi chuyển nguồn đã được HĐND các địa phương phê chuẩn, cụ thể là những khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục “Kinh phí khác” chưa được phân tích, thuyết minh chi tiết từng nội dung tương ứng với các mục chi theo quy định của Luật NSNN (bao gồm chi chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid -19 ngoài danh sách 24 địa phương đã được Quốc hội cho phép chuyển nguồn theo Nghị quyết số 82/2023/QH15).

Đồng thời, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022.

Qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó: Kiến nghị xử lý tăng thu giảm chi NSNN của KTNN đối với niên độ ngân sách 2021 là 34.595 tỷ đồng (tăng thu NSNN 4.641,3 tỷ đồng, giảm chi NSNN 29.953,7 tỷ đồng); kiến nghị khác 37.010 tỷ đồng.

Đ. KHOA