Nam Định: Nỗ lực giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế

Địa phương - Ngày đăng : 14:38, 26/05/2023

(BKTO) - Môi trường đầu tư của tỉnh Nam Định ngày càng được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều thành tựu nổi bật, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt… Những kết quả trên là nền tảng vững chắc để Nam Định bứt phá, thành cực phát triển của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.
11.jpg
Nghi thức khởi công Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Ảnh sưu tầm

Kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực

Những năm qua, tỉnh Nam Định đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, đạt được những thành tựu quan trọng.

Từ một tỉnh nông nghiệp còn nhiều khó khăn, đến nay, kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP trong những năm gần đây tăng bình quân khoảng 7,5%/năm, năm 2022 tăng 9,07% - cao nhất từ trước đến nay; quý I/2023, GRDP đạt hơn 12.200 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản (năm 2022: Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 80,61%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,39%).

Quy mô nền kinh tế được mở rộng, thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt gần 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 50.075 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021; tổng giá trị hàng xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD...  

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, ngay sau khi trở thành tỉnh NTM năm 2019, Nam Định đã chuyển trọng tâm sang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 182/204 xã, thị trấn (bằng 89,2%) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nam Định đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần cải thiện vị thế kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I)…

Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Để tiếp tục thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh Nam Định tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, góp phần phát triển xanh, bền vững, đóng góp nhiều vào ngân sách tỉnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, một trong những giải pháp thu hút đầu tư mạnh mẽ là tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện lực, nước sạch... bảo đảm đồng bộ, hiện đại, kết nối với các sân bay, cảng biển, quốc lộ.

Đặc biệt, với chủ trương giao thông phải đi trước một bước, tạo cú hích phát triển kinh tế, tỉnh đang triển khai một số dự án trọng điểm về giao thông, như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, chiều dài toàn tuyến 46km, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng (đã hoàn thành giai đoạn 1); tuyến đường bộ ven biển, chiều dài toàn tuyến 66km, tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng… sau khi các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông, là động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định (21/5/1963 - 21/5/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị, Nam Định cần tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

Quan tâm đầu tư hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững.

Nam Định hôm nay đã trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của Đồng bằng sông Hồng. Từ xóm làng nông thôn, đến phố phường thành thị, diện mạo đang từng ngày đổi thay, tươi đẹp hơn xưa, đậm đà bản sắc, tạo sức sống mới, khí thế mới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ và đô thị, ưu tiên các dự án quy mô lớn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có chất lượng, hiệu quả cao.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh. Đặc biệt, quản lý, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, mở rộng không gian phát triển, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững. Phải hết sức coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, coi đây là vấn đề sống còn đối với quá trình phát triển của tỉnh.

“Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững trong tương lai; kiên quyết loại bỏ những dự án, hoạt động gây ô nhiễm môi trường; phải có quyết tâm, hành động quyết liệt trong xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, các khu, cụm công nghiệp tập trung. Chú trọng bảo vệ tốt môi trường sông, biển, nhất là Vườn quốc gia Xuân Thủy - vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực Đồng bằng sông Hồng, gắn với phát triển du lịch sinh thái” - Chủ tịch nước nhấn mạnh./.

LÊ HÒA