Tiếp tục thúc đẩy đàm phán giá điện chuyển tiếp
Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 27/05/2023
Thời gian qua, sản lượng điện huy động thực tế trên cả nước tăng khoảng 818 triệu kWh/ngày, tương đương 8%. Có thời điểm, sản lượng điện huy động ghi nhận mức kỷ lục trên 920 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất của hệ thống điện lên tới trên 44.000 MW, tăng 9%.
Dự báo, sắp tới, nhu cầu phụ tải miền Bắc vẫn tăng cao, còn tại khu vực miền Trung và miền Nam ổn định. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện. Nếu các tổ máy không có sự cố, vận hành tin cậy, đủ nhiên liệu và tiếp tục điều tiết các hồ thủy điện, cũng như tiết kiệm điện ở mức tốt thì sẽ đảm bảo được việc cung ứng điện.
Trao đổi về nguồn điện, trong đó có điện nhập khẩu, ông Đặng Hoàng An cho biết, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc được thực hiện từ năm 2005 với công suất mua từ Quảng Tây là 70 MW. Việc nhập khẩu điện vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế, vừa góp phần cung ứng điện cho miền Bắc.
Còn việc nhập khẩu điện từ Lào thực hiện theo Hiệp định liên Chính phủ, với giai đoạn 2020-2025 tối thiểu là 3.000 MW và giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 5.000 MW. Sản lượng điện nhập khẩu này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ hơn 10 triệu kWh/ngày, trong khi sản lượng tiêu thụ điện của miền Bắc khoảng 450 triệu kWh/ngày.
Đới với nguồn điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin rõ, tính đến ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN.
Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9 MW đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).