Khơi thông gói hỗ trợ lãi suất 2%

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:00, 27/05/2023

(BKTO) - Nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa được như kỳ vọng. Trong khi các chuyên gia đề xuất điều chuyển nguồn vốn này sang các chương trình hỗ trợ khác thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục hối thúc các nhà băng đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ để “giải ngân thêm đồng nào tốt đồng đó”.
anh-lai-suat-minh-hoa.jpg
Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất chưa được như kỳ vọng. Ảnh minh họa

Vì sao giải ngân chậm?

Báo cáo “đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023” của Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ: Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.

Nhận định trên đã được minh chứng qua số liệu mới nhất của NHNN. Tính đến cuối tháng 4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 105.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 409 tỷ đồng. “Đây là con số khá khiêm tốn so với tổng quy mô của chương trình” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận.

Theo NHNN, để triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, ngành ngân hàng đã nỗ lực vào cuộc với nhiều giải pháp như: Ban hành Thông tư hướng dẫn và nhiều văn bản đôn đốc các ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNN 63 tỉnh, thành phố; lập đường dây nóng để phản ánh tiếp nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức các hội nghị toàn quốc và các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại địa phương. Vậy vì sao kết quả triển khai chưa được như kỳ vọng?

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - đã chỉ ra nhiều nguyên nhân như: Bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi so với khi xây dựng Chương trình, khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất hay có trường hợp khách hàng đáp ứng điều kiện nhưng lại e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, khó đánh giá về “khả năng phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Cũng theo bà Giang, căn cứ vào thực tế triển khai, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 là khoảng 2.435 tỷ đồng, tuy nhiên, khả năng đạt được mục tiêu này là khó.

Về phía ngân hàng, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, Ngân hàng tập trung cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tập trung vào phân khúc nhỏ lẻ. Các hộ gia đình thường không đăng ký kinh doanh, vì vậy, họ e ngại trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp phản ánh, điều kiện cho vay là một trong những rào cản chính của việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%; đặc biệt là tiêu chí “có khả năng phục hồi”. Dù doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn có thể đáp ứng được tiêu chí này.

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của NHNN do Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII thực hiện năm 2022 cũng cho thấy, các NHTM gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất đối với tiêu chí “có khả năng phục hồi” và trong trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành. Khách hàng có tâm lý e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với cơ quan có thẩm quyền. Nhiều hộ gia đình không đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ. NHTM có tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây vẫn chưa được quyết toán.

Chuyên gia đồng tình chuyển nguồn, ngân hàng tiếp tục đốc thúc

Liên quan đến các giải pháp đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực dôi dư.

Đề xuất trên đã được nhiều chuyên gia đồng tình. Theo TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, với gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, chúng ta cố gắng chỉnh sửa theo hướng xác định rõ “khả năng phục hồi” của doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục thực hiện hỗ trợ 2%. Thế nhưng cũng phải thấy rằng, chúng ta không thể tiêu hết 40.000 tỷ đồng hỗ trợ, do đó, việc điều chuyển nguồn vốn này sang các gói hỗ trợ khác là rất quan trọng cho năm 2023 cùng với đẩy nhanh hiệu quả đầu tư công.

GS,TS. Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cũng đề xuất: Cần chuyển đổi gói hỗ trợ, để nguồn lực này cho một chương trình khác, đơn cử như miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp hay dành nguồn lực cho thúc đẩy đầu tư công. Bên cạnh đó, một số chuyên gia khác kiến nghị có thể điều chuyển gói hỗ trợ này sang hỗ trợ đối tượng vay vốn phục vụ sản xuất theo chương trình giải quyết việc làm hoặc hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trong khi chờ đợi các quyết sách, chủ trương mới từ Chính phủ đối với gói hỗ trợ này, NHNN tiếp tục đốc thúc các ngân hàng quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%. “Giải ngân được thêm đồng nào tốt đồng đó, thêm doanh nghiệp nào tốt doanh nghiệp đó. Các ngân hàng phải có trách nhiệm từ nay đến cuối năm, chủ động tiếp cận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất theo quy định, không bị động ngồi chờ khách hàng đến” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đối với các chi nhánh NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị cần tăng cường giám sát, kiểm tra, phát hiện trường hợp ngân hàng từ chối hỗ trợ khách hàng để kịp thời xử lý, báo cáo chính quyền địa phương về tình hình triển khai, tăng cường tuyên truyền chính sách. Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và ngành ngân hàng kịp thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách. Đồng thời, bố trí kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất, tạo thuận lợi cho NHTM trong quá trình thanh toán và quyết toán số tiền hỗ trợ lãi suất./.

THÀNH ĐỨC