BoJ lỗ trên giấy tờ 1,1 tỷ USD do trái phiếu chính phủ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:46, 31/05/2023

(BKTO) - Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 30/5 cho biết đã lỗ trên giấy tờ 157,1 tỷ yen (1,1 tỷ USD) khi nắm giữ trái phiếu chính phủ với số lượng cao kỷ lục trong tài khóa 2022.
boj-the-wall-street-journal.jpg
Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản - Nguồn: Internet

Tổng tài sản lần đầu tiên giảm sau 11 năm 

Đây là lần đầu tiên trong 17 năm qua, BoJ đối mặt với khoản lỗ như vậy sau khi đẩy mạnh mua trái phiếu để giữ lợi suất thấp bất chấp xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu. Lỗ trên giấy tờ, hay còn gọi là lỗ chưa thực hiện, là sự sụt giảm giá trị của tài sản hoặc khoản đầu tư mà nhà đầu tư vẫn đang nắm giữ.

Tổng tài sản của BoJ trong tài khóa 2022 kết thúc vào tháng 3/2023 đã giảm 0,2% xuống còn 735.120 tỷ yen (khoảng 5.225 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên trong 11 năm qua tổng tài sản của BoJ bị giảm. Nguyên nhân cho việc này là do ảnh hưởng từ việc ngân hàng này giảm các khoản vay được gia hạn cho các tổ chức tài chính như một phần nỗ lực để tăng cường tài chính cho quỹ đối phó với đại dịch COVID-19. 

Thu mua trái phiếu là một trụ cột chính trong chính sách nới lỏng tiền tệ của BoJ. Trong động thái bất ngờ hồi tháng 2/2022, BoJ đã ra quyết định điều chỉnh chương trình kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC). Cụ thể, BoJ cho phép lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm từ mức mục tiêu 0%, so với biên độ tăng chỉ 0,25 điểm phần trăm trước đó.

Lượng trái phiếu BoJ nắm giữ đã tăng 10,6% lên 581.720 tỷ yen theo giá trị trên sổ sách, mức lớn nhất từ trước đến nay trong một năm tài chính, mặc dù giá trị thị trường của những trái phiếu này chỉ còn 581.560 tỷ yen, khiến BoJ chịu khoản lỗ chưa thực hiện 157,1 tỷ yen.

Nhiều thách thức cho BoJ

ueda-the-wall-street-journal.jpg
Tân Thống đốc BoJ - Kazuo Ueda - Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, BoJ được coi là ngân hàng trung ương ôn hòa nhất trong số Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khi kiên định theo chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lại lạm phát, thì lợi suất trái phiếu nước ngoài cao hơn đã gây thêm sức ép cho BoJ trong năm 2022.

Theo giới phân tích, tân Thống đốc mới nhậm chức vào tháng 4 vừa qua của BoJ - Kazuo Ueda sẽ phải đối mặt với thách thức đưa Nhật Bản chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ được áp dụng trong 10 năm qua. Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang trì trệ và kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái, việc theo đuổi lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của BOJ có thể sẽ không dễ dàng.

Trước đó, cựu Thống đốc BoJ -Haruhiko Kuroda thừa nhận rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% mà BOJ đặt ra đã không được thực hiện ổn định như kỳ vọng. Khi nhậm chức vào năm 2013, ông đã triển khai chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm mục đích tăng lạm phát lên 2% trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ này đã không thể đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát. Lạm phát chỉ chạm mức 2% trong một thời gian ngắn vào năm 2014 do tăng thuế suất tiêu dùng và duy trì ở mức dưới 1% những năm sau đó.

Năm 2022, do giá hàng hóa nhập khẩu tăng vọt và đồng yen giảm giá mạnh, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản lên tới 2,3%. Tuy nhiên, BOJ chỉ ra rằng lạm phát do chi phí tăng cao khác với lạm phát do nhu cầu mở rộng mà họ theo đuổi. Ngoài việc không đạt được mục tiêu, chính sách tiền tệ nới lỏng này còn tạo ra sự thịnh vượng giả tạo trên thị trường tài chính, với việc đồng yen giảm giá mạnh và thị trường chứng khoán tăng nhanh, đồng thời bộc lộ nhiều vấn đề khác. Những vấn đề này được coi là thách thức lớn cho người kế nhiệm Kazuo Ueda.

Thứ nhất, thị trường trái phiếu đã bị bóp méo nghiêm trọng và chính sách tài chính mất đi tính linh hoạt. BOJ đã thực hiện chương trình kiểm soát đường cong lợi suất trong một thời gian dài. Bằng việc mua một lượng lớn trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu, khiến giá trái phiếu lệch khỏi phạm vi hợp lý. Kết quả là chức năng định giá thị trường bị nghi ngờ và tính thanh khoản của thị trường trái phiếu Nhật Bản có xu hướng giảm.

Thứ hai, BOJ đã trở thành "cỗ máy rút tiền" mà chính phủ không thể từ bỏ và sự phụ thuộc tài chính vào nợ ngày càng tăng. Theo dữ liệu do BOJ công bố, tính đến cuối tháng 9/2022, số dư trái phiếu chưa thanh toán của Chính phủ Nhật Bản ở mức 1.066 nghìn tỷ yen (7,56 nghìn tỷ USD), trong đó BOJ sở hữu 536 nghìn tỷ yen, chiếm hơn 50%. Tình huống hiếm gặp này là một trong những lý do chính khiến BOJ được cho là sẽ phải tìm cách bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Thứ ba, một số lượng lớn “doanh nghiệp ma” tồn tại trong thời gian dài làm giảm hiệu quả sản xuất. Việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty lẽ ra đã rời khỏi thị trường có được nguồn tài chính và duy trì hoạt động kinh doanh, điều này làm chậm sự chuyển hóa của các ngành công nghiệp Nhật Bản và làm suy yếu sức sống của nền kinh tế.

Tháng 12/2022, BOJ đã công bố một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ lỏng lẻo của mình, nâng lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm lên 0,5% từ mức trần 0,25% trước đó - một động thái được các thị trường hiểu là sự khởi đầu của sự điều chỉnh chính sách và tăng lãi suất trên thực tế.

Nhà kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện nghiên cứu Nomura cho biết dưới sự lãnh đạo của ông Ueda, chính sách nới lỏng định lượng sẽ tiếp tục, nhưng cơ chế đặc biệt hiện nay sẽ được đánh giá lại một cách cẩn trọng nhằm giảm tối đa các hệ lụy.

Trên bình diện toàn cầu, rủi ro lan tỏa từ hệ thống tài chính Mỹ đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng châu Âu và Nhật Bản cũng không tránh khỏi những tác động này. Giới truyền thông và chuyên gia Nhật Bản cho rằng nếu không giải quyết hiệu quả tình trạng giảm phát, việc kéo dài chính sách tiền tệ lỏng lẻo có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, nếu điều chỉnh chính sách quá vội vàng có thể gây rủi ro rất lớn cho sự phục hồi chậm chạp hiện nay của nền kinh tế Nhật Bản.

Dữ liệu của BoJ cũng cho thấy tài sản do các hộ gia đình Nhật Bản nắm giữ đạt 2.023 tỷ yen tính đến cuối tháng 12/2022, duy trì trên mức 2.000 tỷ yen trong quý thứ năm liên tiếp. Hơn 50% trong số đó được giữ bằng tiền mặt và tiền gửi, phản ánh quan điểm thận trọng của người dân Nhật Bản trong hoạt động chi tiêu.

Tại cuộc họp chính sách đầu tiên dưới sự dẫn dắt của tân Thống đốc Kazuo Ueda, BoJ ngày 28/4 đã quyết định duy trì lãi suất ở mức cực thấp như dự đoán. Đặc biệt, BoJ đã đề cập đến sự cần thiết phải thúc đẩy tăng trưởng tiền lương để đạt được mục tiêu lạm phát.

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, BoJ cho biết sẽ dành năm tiếp theo để đánh giá khung chính sách tiền tệ của mình trong hàng chục năm qua.

Dù đã mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ suốt nhiều năm, nhưng BoJ vẫn chưa đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% một cách ổn định. Giá tiêu dùng cốt lõi trong năm tài chính 2025 hiện được dự đoán sẽ tăng 1,6% so với năm trước đó.

Nam Sơn