Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Địa phương - Ngày đăng : 09:30, 31/05/2023

(BKTO) - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã thu hút sự tham gia của đông đảo của các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, huy động tiềm năng và sự sáng tạo của nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ văn hóa, kinh tế, chính trị của địa phương; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
1fhfg.png
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen của Thành ủy cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: hanoi.gov.vn

Huy động tiềm năng và sự sáng tạo của nhân dân

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, hằng năm, tỷ lệ đạt chuẩn danh hiệu văn hóa ngày càng cao. Năm 2022, có 1.360/2.149 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, đạt tỷ lệ 63%; 2.356/3.249 tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, tỷ lệ 72,5%; số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ước đạt 71,8%.

Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7.637 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho 10.476 người nghèo. Đặc biệt, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 chưa từng có trong tiền lệ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch;  tiếp nhận ủng hộ tổng số tiền và hàng hóa trị giá 916,8 tỷ đồng; tiếp nhận, ủng hộ Quỹ "Vắc xin phòng Covid-19" của trung ương 556,3 tỷ đồng; tiếp nhận 14 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng; chuyển hỗ trợ công tác phòng, chống dịch gần 846,6 tỷ đồng…

Toàn thành phố đã có 89.485 khu dân cư tổ chức ngày hội, trong đó 78.903 khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội (đạt tỷ lệ 88%), có 23.992 khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”...

Trong 20 năm qua, trong dịp tổ chức ngày hội, có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng, 9.978 nhà Đại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà Đại đoàn kết được sửa chữa, 5.878 nhà Đại đoàn kết được trao tặng.

Nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã có cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể như Huyện Đông Anh đã có Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU về "5 có”, "3 không”.

Trong đó, “3 không” gồm: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo. Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, hằng năm, ngân sách huyện đều bố trí 10-15 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân trong sản xuất nông nghiệp...

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc  đã phối hợp với UBND Thành phố tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên những thành tựu và kết quả nổi bật của Thủ đô.

Đáng chú ý, qua rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ đô Hà Nội đã bình an, tiếp tục phục hồi, phát triển, là minh chứng rõ nét trong thực hiện quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân…

Những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn thành phố, qua đó đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng.

Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy các cấp của Thành phố xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ. Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên nhằm phát huy vai trò, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Ban Công tác Mặt trận phát huy sự năng động, sáng tạo trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế của cộng đồng dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội, bảo đảm vừa trang trọng, trang nghiêm, vừa vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong nhân dân.

Đồng thời, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia ngày hội; phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động ngày hội của nhân dân trên địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, cần phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết; thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư nhằm tổ chức những ngày hội thắm tình đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong triển khai các nhiệm vụ chính trị tại địa phương./.

THÙY LÊ