Kiểm toán nhà nước - Thiết chế hữu hiệu để chống tham nhũng

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:46, 01/06/2023

(BKTO) - Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chính thức trở thành một thiết chế hiến định. Địa vị pháp lý của KTNN được nâng cao phản ánh tầm quan trọng của thiết chế này đối với nền quản trị quốc gia nói chung và đặc biệt đối với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng nói riêng.
6-(1).jpg
Triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu: Trong quá trình kiểm toán, cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ nội bộ đoàn kiểm toán đến phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Ảnh tư liệu

Có thể nói, KTNN chính là khắc tinh của tham nhũng. Dưới đây là những lý do tại sao.

Thứ nhất, KTNN giúp bảo đảm trách nhiệm giải trình và bảo đảm sự minh bạch trong việc sử dụng tài chính công và tài sản công. KTNN cung cấp sự đánh giá độc lập, khách quan các hoạt động và giao dịch tài chính của các cơ quan nhà nước, nhờ vậy mà các hành vi tham nhũng, tiêu cực dễ bị ngăn chặn.

Thứ hai, KTNN phát hiện những sự bất thường như: Gian lận, biển thủ công quỹ, chi sai và các hành vi tham nhũng khác. Bằng cách kiểm tra các chứng từ tài chính, các hợp đồng và các quy trình, thủ tục, các kiểm toán viên có thể phát hiện ra các giao dịch đáng nghi ngờ hoặc các sự bất nhất. Chúng lại có thể chính là những biểu hiện của các hành vi tham nhũng.

Thứ ba, KTNN không chỉ phát hiện tham nhũng mà còn giúp xác lập những biện pháp phòng ngừa. Các kiểm toán viên cung cấp các khuyến nghị giúp tăng cường sự kiểm soát nội bộ, cải thiện hệ thống quản lý tài chính và quy trình điều hành, nhờ đó rủi ro của tham nhũng sẽ được giảm thiểu trong tương lai. Cách tiếp cận chủ động này giúp tạo ra nền tảng cho sự liêm chính và làm nản lòng những hành động tham nhũng.

Thứ tư, KTNN giúp đánh giá rủi ro tham nhũng trong các cơ quan nhà nước. Bằng cách đánh giá cơ chế kiểm soát tài chính; quy trình, thủ tục mua sắm công; sự tuân thủ các quy định của pháp luật, các kiểm toán viên có thể phát hiện những vùng nhạy cảm nơi tham nhũng có thể dễ xảy ra. Điều này giúp cho các chính khách và các nhà quản lý định hướng các nỗ lực phòng, chống tham nhũng và điều chỉnh các nguồn lực cho phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Thứ năm, KTNN bảo đảm sự răn đe đối với các hành vi tham nhũng. Nhận thức về việc mọi giao dịch tài chính, mọi hoạt động đều phải chịu sự kiểm tra độc lập của KTNN sẽ làm nản lòng các cá nhân có xu hướng tham nhũng. Nỗi lo sợ bị phát hiện và phải chịu chế tài giúp chế ước tham nhũng và thúc đẩy cách hành xử có đạo đức.

Thứ sáu, KTNN giúp bảo đảm sự tuân thủ luật pháp và chính sách. Các kiểm toán viên giúp xác thực các nguồn tài chính công có được sử dụng phù hợp với các chuẩn mực và các quy trình, thủ tục đã được xác lập hay không. Bằng cách phát hiện những sự vi phạm hoặc những sự không tuân thủ, kiểm toán giúp bảo đảm việc thực thi các chuẩn mực pháp lý và ngăn cản những hành vi tham nhũng.

Thứ bảy, KTNN tăng cường lòng tin của công chúng đối với các cơ quan nhà nước. Khi người dân nhìn thấy các nguồn lực công được quản lý hiệu quả và minh bạch, họ sẽ tin hơn vào khả năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước. Lòng tin này là vô cũng quan trọng cho việc bảo đảm ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia.

Thứ tám, KTNN cung cấp chứng cứ và tài liệu giúp cho việc điều tra và truy tố các cá nhân tham nhũng. Những phát hiện của KTNN có thể được sử dụng làm căn cứ cho các hành động pháp lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm áp đặt trách nhiệm và thu hồi tài sản bị tham nhũng.

Tóm lại, KTNN là công cụ vô cùng quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Đây là thiết chế phòng, chống tham nhũng bằng cách tăng cường trách nhiệm giải trình, bảo đảm sự minh bạch; bằng cách phát hiện, ngăn chặn các vi phạm và bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. KTNN đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các nguồn lực công, gìn giữ lòng tin của công chúng và bảo đảm sự vận hành hiệu quả của các cơ quan nhà nước. Vấn đề là chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để KTNN hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. KTNN đã độc lập thì cần phải được độc lập hơn nữa. Các kiểm toán viên đã liêm chính và chuyên nghiệp thì cần phải liêm chính và chuyên nghiệp hơn nữa./.

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội