Cần đánh giá độc lập về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 08:19, 01/06/2023

(BKTO) - Dẫn kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).
lam.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam chia sẻ, mặc dù các chỉ tiêu cụ thể về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động đều đạt được.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán đã chỉ ra, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, chậm đóng BHXH, BHTN còn khá cao, đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ.

Số nợ đọng chậm đóng bảo hiểm đến hết năm 2021 là 16.350 tỷ đồng; còn thu trùng 4.815 trường hợp tham gia BHXH bắt buộc; thu hơn 100.000 thẻ BHYT trùng giữa ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng; thu trùng hơn 8.000 thẻ bảo hiểm y tế; chi trùng, chi sai bảo hiểm thất nghiệp cần phải thu hồi khoảng 3.000 trường hợp.

Đại biểu cho biết, theo quy định, hàng tháng chủ sử dụng lao động và người lao động đều đóng BHXH, BHYT, BHTN. Sang tháng thứ hai, tháng thứ ba không đóng thì sẽ biết.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Tại sao cơ quan BHXH không xử lý mà để kéo dài trong suốt thời gian qua? Trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào? Vậy, những khoản chi sai, chi trùng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí về nguồn lực, cơ hội của hàng triệu người lao động hay không?”.

Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu luôn được cơ quan thực thi nhiệm vụ đi tiên phong với những khoản chi không nhỏ.

Song việc trùng lặp danh sách, bất cập trong chi các chế độ, trong theo dõi, quản lý đối tượng vẫn tồn tại kéo dài, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Mặc dù, đây là vấn đề nhiều năm qua cơ quan thanh tra, kiểm toán đã nhiều lần kiến nghị.

Đại biểu cũng đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong đề xuất các chính sách pháp luật, công tác phối hợp để tháo gỡ những bất cập, để chia sẻ với khó khăn của người lao động.

Từ những bất cập được chỉ ra, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét cần có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ lĩnh vực về chính sách bảo hiểm để có thay đổi và điều chỉnh một cách hợp lý trong từng giai đoạn.

“Không sợ chỉ ra cái sai, trách nhiệm, bất cập, chồng chéo, lãng phí trong thực hiện chính sách để BHXH luôn làm mới mình từ trong chính sách, thực sự là chỗ dựa của người lao động; đồng thời, làm rõ loại hình hoạt động của cơ quan này” – đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề xuất.

Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan có chế tài mạnh mẽ và công cụ xử lý hữu hiệu hơn nữa để giải quyết dứt điểm những trường hợp nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài đối với các trường hợp đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn.

Đặc biệt, cần sớm quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đã được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Đ. KHOA