Chỉ số lạm phát giá cả ở các cửa hàng Anh tăng cao kỷ lục
Kinh tế - Ngày đăng : 14:07, 01/06/2023
Lạm phát giá cả vẫn tăng cao dù giá lương thực đã "hạ nhiệt"
Chỉ số lạm phát giá cả tại các cửa hàng ở Anh trong tháng Năm đã tăng lên mức kỷ lục trong ít nhất 18 năm, dù tốc độ tăng giá thực phẩm đã giảm nhẹ.
Cụ thể, lạm phát giá cả tại các cửa hàng đã tăng từ mức 8,8% trong tháng Tư lên 9% trong tháng Năm, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ khi BRC bắt đầu thống kê dữ liệu này vào năm 2005, dù lạm phát giá thực phẩm đã giảm nhẹ từ mức kỷ lục 15,7% trong tháng Tư xuống còn 15,4% trong tháng Năm.
Giám đốc điều hành BRC Helen Dickinson cho rằng tuy lạm phát giá cả tại các cửa hàng tăng so với tháng trước, song lạm phát giá lương thực có xu hướng hạ nhiệt sẽ giúp các hộ gia đình giảm bớt gánh nặng.
Theo bà Dickinson, tốc độ tăng giá lương thực giảm chủ yếu là do chi phí năng lượng và hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng bắt đầu giảm, trong khi lạm phát giá một số mặt hàng chủ lực gồm bơ, sữa, trái cây và cá cũng hạ nhiệt.
Riêng giá chocolate và cà phê lại có xu hướng tăng, do chi phí liên quan đến sản xuất và cung ứng các mặt hàng này tăng, theo đó đẩy lạm phát giá các mặt hàng thực phẩm có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng tăng từ 12,9% trong tháng Tư lên 13,1% trong tháng Năm.
Dữ liệu do BRC công bố cho thấy lạm phát giá các mặt hàng phi thực phẩm đã tăng từ mức 5,5% trong tháng Tư lên 5,8% trong tháng Năm, mặc dù các cửa hàng giảm giá mạnh đối với các mặt hàng giày dép, sách và giải trí gia đình.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đã công bố các số liệu chính thức cho thấy lạm phát của nước này trong tháng Tư vừa qua giảm mạnh xuống còn 8,7% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, nhờ giá năng lượng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát giá lương thực trong tháng Tư cũng giảm nhẹ so với mức cao nhất trong 45 năm là 19,2% được ghi nhận vào tháng Ba, xuống 19,1%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá con số này vẫn còn xa vời so với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), do đó nhiều khả năng ngân hàng này sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp tăng lãi suất.
Kinh tế Anh sẽ không rơi vào suy thoái trong năm 2023
Dù Anh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống lạm phát, tuy nhiên, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố mới đây, quốc gia này sẽ không trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm nhất thế giới vào năm 2023. Thay vào đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ là quốc gia tăng trưởng kém nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
IMF cho rằng kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1% trong năm tới khi lạm phát chậm lại và sau đó đạt mức trung bình khoảng 2% vào năm 2025 và 2026. Tuy nhiên, các quan chức IMF cũng đưa ra cảnh báo lạm phát sẽ chỉ giảm xuống 2% trong ba năm tới và nguy cơ giá có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Các số liệu trên được đưa ra sau khi các quan chức IMF kết thúc chuyến công tác kéo dài hai tuần tại Anh để đánh giá tình trạng của nền kinh tế trước báo cáo đánh giá định kỳ hàng năm. Theo IMF, với nhu cầu phục hồi khi giá năng lượng giảm, kinh tế Anh dự kiến sẽ tránh được suy thoái và duy trì tăng trưởng tích cực vào năm 2023.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết dự báo của IMF là một bản nâng cấp lớn cho triển vọng tăng trưởng của Anh và ghi nhận hành động của chính phủ nước này trong việc khôi phục sự ổn định và kiềm chế lạm phát.
Dự báo của IMF về nâng cấp tình trạng kinh tế Anh phù hợp với các tổ chức lớn khác, gồm cả Ngân hàng trung ương Anh, khi loại bỏ dự đoán về suy thoái kinh tế vào năm 2023. IMF đánh giá Chính phủ Anh và BoE đã hành động “kiên quyết chống lạm phát,” chỉ ra rằng BoE là một trong những ngân hàng đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm 2021.