Bất cập trong việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:09, 02/06/2023
Ngân sách vẫn chi trả chi phí DVC
Theo kết quả kiểm toán, nhiều địa phương “chưa thực hiện việc đặt hàng hoặc đấu thầu DVC theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP; ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả đặt hàng thực hiện các gói thầu DVC chưa phù hợp quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP; chưa tuân thủ đầy đủ quy định tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP”.
Hoạt động đấu thầu, đặt hàng DVC phải tuân thủ quy định, trên tinh thần điều chỉnh giá theo hướng tính đúng, tính đủ và lấy sự hài lòng của người dùng là thước đo đánh giá để không ngừng đổi mới cách thức thực hiện. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán cho thấy, công tác triển khai hoạt động này tại nhiều địa phương còn bất cập, trong đó, việc sử dụng ngân sách để chi trả không đúng cho các chi phí phát sinh liên quan đến DVC cần được chấn chỉnh kịp thời.- Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp -
Đáng chú ý là tình trạng chưa tổ chức thu, tổ chức thu không đầy đủ giá dịch vụ thu, gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo lộ trình đề ra dẫn đến ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả phần lớn hoặc toàn bộ chi phí thu, gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đơn cử như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó, lộ trình thực hiện từ năm 2020-2023 tổng số tiền thu phải đạt trên 80-100% tổng số tiền chi. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chưa thực hiện đúng lộ trình đề ra. Số thu phát sinh trong năm rất thấp, hiện nay, ngân sách nhà nước phải chi trả toàn bộ kinh phí vận chuyển rác từ trạm trung chuyển đến bãi xử lý hoặc chi trả trên 70% chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến nơi xử lý.
Tương tự, Văn bản số 4971/UBND-VP ngày 10/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy định, “từ quý III/2012, các cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quy mô từ doanh nghiệp trở lên)..., có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt...”, tuy nhiên, đến hết năm 2020, số lượng cơ sở thực hiện nộp tiền xử lý rác trên địa bàn tỉnh vẫn rất thấp và ngân sách nhà nước vẫn được tỉnh bố trí để thanh toán các chi phí này.
Các đơn vị tham gia vào lĩnh vực này chưa nhiều, nên khi tổ chức đấu thầu DVC gần như không có đơn vị tham gia, từ đó địa phương phải chỉ định thầu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp “sân sau” như chúng ta thấy vừa qua; nhiều DVC chưa thực hiện dựa trên tính đúng, tính đủ về giá, căn cứ trợ giá hiện còn kẽ hở, dẫn đến việc địa phương đưa ra mức trợ giá mỗi nơi một khác, từ đó gây thêm gánh nặng cho ngân sách.
- TS. Vũ Đình Ánh -
Bất cập giữa chính sách và công tác quản lý
Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh - đánh giá, kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra bức tranh tương đối toàn diện về đấu thầu, đặt hàng DVC, trong đó nổi lên là tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong việc đấu thầu, đặt hàng để tìm ra nhà thầu có năng lực tốt nhất, từ đó cung cấp các DVC đảm bảo chất lượng. Điển hình như những tiêu cực tại TP. Hà Nội và một vài địa phương mà cơ quan thực thi pháp luật đã vào cuộc xử lý vừa qua. Bên cạnh đó, tình trạng dùng ngân sách để chi trả không đúng cho các chi phí vận hành DVC tương đối phổ biến hiện nay, dù pháp luật đã có quy định cụ thể về vấn đề này.
“Qua kết quả kiểm toán, cơ quan chức năng cần nhìn nhận rõ tồn tại và phải nghiêm túc chấn chỉnh thực hiện, đưa công tác đấu thầu, đấu giá DVC vào khuôn khổ, hạn chế tối đa tiêu cực; bảo vệ người tiêu dùng và tiến tới tính đúng, tính đủ giá DVC” - TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Thực trạng đơn vị tham gia đấu thầu DVC còn ít, điều này bắt nguồn từ chính nguyên nhân do các địa phương khi đặt hàng cung ứng DVC thường chỉ định ngay một nhà thầu thực hiện, không thông báo mời thầu cung ứng DVC. Cách làm này không đúng trình tự, thủ tục đặt hàng sản phẩm, DVC, không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.- Ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII -
Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Trần Minh Khương, có nhiều lý do khiến việc triển khai thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu DVC chưa đạt được hiệu quả đề ra. Trong đó có bất cập từ quy định và trách nhiệm của từng cấp được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Đơn cử, đối với thực trạng đơn vị tham gia đấu thầu DVC còn ít, điều này cũng bắt nguồn từ chính nguyên nhân do các địa phương khi đặt hàng cung ứng DVC thường chỉ định ngay một nhà thầu thực hiện, không thông báo mời thầu cung ứng DVC. Cách làm này không đúng trình tự, thủ tục đặt hàng sản phẩm, DVC; đồng thời, không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này - ông Khương nói.
Kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra đầy đủ các mặt của công tác đấu thầu DVC về cả ưu điểm và bất cập tại địa phương. Đây là cơ hội để địa phương nghiêm túc nhìn nhận lại, cũng như có giải pháp để chấn chỉnh, nhằm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thực trạng đã được KTNN chỉ ra, đó là một số quy định liên quan đến đấu thầu, đặt hàng DVC hiện nay nảy sinh bất cập, do đó, địa phương mong muốn thông qua kiến nghị kiểm toán, các cơ quan chức năng sớm xem xét sửa đổi các quy định này cho phù hợp, tạo điều kiện cho việc tổ chức, thực hiện được thống nhất, đúng quy định.
- Văn phòng UBND TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu -
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc thông qua các kênh giám sát, đặc biệt là báo cáo kiểm toán sẽ giúp các nhà quản lý có thêm những thông tin đắt giá để soi chiếu và hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước. Các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận và tiếp thu ý kiến của KTNN để chỉ đạo các đơn vị thực hiện triệt để các kiến nghị này; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị để rút kinh nghiệm và có biện pháp xử lý phù hợp./.
Năm 2022, KTNN thực hiện chuyên đề kiểm toán việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp DVC trên địa bàn một số tỉnh, thành phố giai đoạn 2019-2021 với 4 loại DVC (Quản lý công viên, trồng và quản lý chăm sóc cây xanh, hoa cảnh vỉa hè, đường phố, dải phân cách, vòng xoay; Thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh công cộng; Vận tải công cộng tại các đô thị và Dịch vụ thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung).