Đại biểu Quốc hội đề xuất nâng thời hạn thị thực
Pháp luật - Ngày đăng : 08:30, 04/06/2023
Mở ra cơ hội xúc tiến đầu tư và du lịch
Chiều 02/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương cấp thị thực điện tử và được sử dụng nhiều lần thay cho một lần, nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, mở rộng diện, điều kiện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP.Hà Nội) đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung chính sách về visa lần này đã tiếp cận những chuẩn mực quốc tế hàng đầu và sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư và xúc tiến du lịch.
“Đây là một món quà quan trọng hàng đầu cho các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài và là thông điệp rất quan trọng về chính sách tiếp tục hội nhập, mở cửa chào đón các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu đến với Việt Nam” - đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Về việc nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày, đại biểu Lộc đề nghị nâng lên tối thiểu 15 đến 60 ngày.
Cùng với đó, nên mở rộng diện đơn phương miễn thị thực, đồng thời với việc mở rộng danh sách cho áp dụng thị thực điện tử vì hiện nay Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân 25 nước, thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.
Đại biểu Lộc cho biết, vừa qua, có những đối tác đầu tư kinh doanh hàng đầu nhưng họ không được hưởng chế độ này vì Luật hiện hành chỉ áp dụng đối với công dân các nước, chứ không có các vùng lãnh thổ nên họ không được hưởng các chế độ cần thiết với tư cách như là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống.
Trong khi đó, Campuchia, Lào và Đông Timor cũng đã miễn thị thực khi nhập cảnh cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đã miễn thị thực trong 30 đến 90 ngày với khách du lịch quốc tế từ hầu hết các thị trường chính của những nước này.
Như vậy, hiện tại, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15 - 50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Số lượng quốc gia có khách du lịch Việt Nam được miễn thị thực cũng chỉ bằng 5 đến 15% so với các nước ASEAN - đại biểu chỉ rõ.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam trong Dự thảo Luật chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực.
Vì vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc việc tăng miễn thị thực, gia hạn, tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài trong Dự thảo Luật.
Xem xét quy định cho người quá cảnh tham quan du lịch miễn phí
Đồng tình việc nghiên cứu, xem xét mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực nhằm tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị xem xét, tạo điều kiện cho người quá cảnh đủ điều kiện được ra ngoài khu vực quá cảnh mà không cần thị thực để tham quan du lịch trong một khoảng thời gian nhất định; có thể là miễn phí trong 48 giờ và thu phí nếu vượt quá 48 giờ.
Quy định này đã được áp dụng rất thành công tại các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần thu hút đáng kể một lượng khách quốc tế quá cảnh tại các sân bay, bến cảng và kết hợp tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển - đại biểu Nguyễn Hải Anh phân tích.
Trong khi đó, đại biểu đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn TP. Cần Thơ) kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc cấp thị thực tại sân bay cho một số đối tượng tại một số nước và một số sân bay của nước ta.
Đồng thời, xem xét kéo dài thời hạn thị thực đối với các chuyên gia sang làm việc cho các dự án khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, nhất là ở các trường đại học và viện nghiên cứu được tối đa là 5 năm và có giá trị xuất, nhập cảnh một hay nhiều lần. Qua đó sẽ thu hút được nhiều chuyên gia đến với Việt Nam.