Thị trường du lịch sau hội nhập: Chờ sự đột phá

Xã hội - Ngày đăng : 14:30, 14/07/2016

(BKTO)- Nhiều dự án nghỉ dưỡng, du lịch có vốn đầutư nhiều tỷ đồng liên tục được triển khai trong thời gian gần đây khiến thị trườngdu lịch trong nước trở nên sôi động nóng hơn bao giờ hết. Cùng với đó, nhữngchính sách cởi mở, thông thoáng của Chính phủ đang tạo nên sức hút đặc biệt vớicác nhà đầu tư vào thị trường du lịch vốn được đánh giá là giàu tiềm năng nhưViệt Nam.



Ngành Du lịch cần tìm giải pháp cải thiện mức chi tiêu của du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Ảnh: TS
Những tín hiệu khả quan...

Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 4,7 triệu lượt (tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015); khách du lịch nội địa ước đạt 32,4 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 200.339 tỷ đồng (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015). Những con số này là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của ngành Du lịch trước nhiều khó khăn, đặc biệt là việc khách quốc tế đến Việt Nam giảm liên tục trong thời gian dài trước đó.

Cùng với những con số tăng trưởng đáng kể cả về lượng du khách, số tiền, cuối năm 2015 trở lại đây cũng là thời điểm ngành Du lịch liên tục đón nhận những tín hiệu tích cực với nhiều dự án nghỉ dưỡng du lịch được triển khai, hoàn thiện đưa vào sử dụng. Trong số đó phải kể đến: Tập đoàn Sun Group khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới tại Sapa (Lào Cai) và tuyến cáp treo Nữ Hoàng với 2 kỷ lục thế giới tại Hạ Long; Tập đoàn FLC khai trương khu nghỉ dưỡng Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc) với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, khánh thành giai đoạn 1 dự án FLC tại Quy Nhơn (Bình Định) với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng... Đặc biệt, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn tại thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2015 đã mở ra nhiều triển vọng phát triển du lịch cho địa phương, đồng thời trực tiếp tạo ra hơn 2.000 việc làm và hàng nghìn cơ hội việc làm gián tiếp khác. Nhiều chuyên gia du lịch cũng cho rằng, Việt Nam tham gia TPP, cộng đồng ASEAN sẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư ngoại tìm đến. Nhiều dự án đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến được ra mắt trong vài năm tới. Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, tính đến cuối năm 2015 có hơn 30 dự án được cấp phép đầu tư; trong đó có 13 dự án hiện đang xây dựng.

Sự tham gia thị trường du lịch nghỉ dưỡng của các “đại gia” địa ốc đang khiến cho sức hút đầu tư vào ngành “công nghiệp không khói” chưa khi nào “nóng” như thời điểm này. Những dự án đầu tư trên đã góp phần quan trọng giúp tăng cường cơ sở hạ tầng du lịch - một trong những nguyên nhân khiến thị trường du lịch trong nước kém sức hấp dẫn với du khách nhiều năm qua.
Tạo sức bật mới cho du lịch

Có nhiều nguyên nhân tạo nên sức hút vào du lịch như: xu hướng hợp tác toàn diện giữa các nước, nhu cầu của du khách thay đổi với ưu tiên các loại hình du lịch, dịch vụ thân thiện môi trường, an toàn và khám phá thiên nhiên... khiến Việt Nam trở thành điểm đến được yêu thích.Cùng với đó, sự phát triển của các sân bay quốc tế trong những năm vừa qua cũng là một yếu tố thúc đẩy ngành Du lịch “cất cánh”.
Nhận thức vai trò của du lịch trong bối cảnh mới, nhiều địa phương đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, hỗ trợ, phát triển du lịch trên địa bàn. Ở cấp độ vĩ mô, Chính phủ đã bắt kịp xu hướng nới lỏng thị thực bằng việc bắt đầu mở rộng chính sách miễn thị thực cho nhiều thị trường... Tuy nhiên, để những sức hút này thực sự mang tính bền vững, các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Lâu nay, ngành Du lịch đứng trước thực tế số lượng du khách quốc tế trở lại Việt Nam vẫn còn quá ít. Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng, để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam phải giải quyết vấn đề làm sao để khách đến dễ dàng và ở dễ chịu.

Mặc dù được xếp vào top 5 các nước ASEAN có lượng khách du lịch quốc tế cao nhất (ước tính đạt 8 triệu lượt người/năm với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9%/năm) nhưng, Việt Nam lại xếp ở nhóm trung bình về mức chi tiêu của du khách. Theo Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, tình trạng này chỉ có thể được khắc phục, khi hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm đến du lịch, khu nghỉ dưỡng được tăng cường, hiện đại hóa...

Giải quyết những khó khăn nội tại của du lịch trong nước, tận dụng sức mạnh mềm của chính sách, phát huy nền tảng cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ chính là những lưu ý được nhiều chuyên gia du lịch đưa ra để giải bài toán xây dựng, phát triển bền vững thị trường du lịch trong nước hiện nay. Trách nhiệm này, không ai khác thuộc về chính cơ quan quản lý, DN và người dân.
NGUYỄN LỘC