Bài cuối: Điều hành tín dụng: Làm sao để hài hòa các mục tiêu?
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:10, 07/06/2023
Chấp nhận rủi ro trước mắt nhưng về lâu dài, phải có giải pháp
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 mà KTNN gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 có một điểm đáng lưu ý: Tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%, năm 2021 là 113,2%). Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, tỷ lệ này của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro.
Theo TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, WB đã đưa ra cảnh báo về rủi ro tín dụng khi tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức trên 100%. Với tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam như trên, rủi ro bắt đầu lớn và đây là lý do vì sao chúng ta vẫn phải áp trần tín dụng. “Nếu tín dụng tăng quá mức thì đòn bẩy tín dụng cũng tăng quá nhanh, rủi ro hệ thống ngân hàng và nền kinh tế rất lớn” - TS. Võ Trí Thành cảnh báo.
Theo NHNN, bên cạnh các quy định nhằm kiểm soát hoạt động cho vay, hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục đối với các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống. Dự thảo Luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thông qua việc bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử.
Không riêng gì năm 2021, theo TS. Võ Trí Thành, hiện nay, chúng ta đang phải chấp nhận áp lực ấy. Phân tích sâu hơn, TS. Võ Trí Thành cho biết: Năm 2022, tín dụng tăng khoảng 14% trong khi GDP danh nghĩa ở vào khoảng 11% (năm 2022, tăng trưởng GDP thực là 8,02%, lạm phát 3%). Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, trong khi đó, GDP thực dự kiến tăng 6,5% và lạm phát ở mức 4%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn nhanh hơn GDP danh nghĩa. “Về lâu dài, tăng trưởng tín dụng không thể cứ mãi nhanh hơn GDP. Muốn vậy, chúng ta phải phát triển thị trường vốn, nhất là vốn đầu tư dài hạn” - TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.
Thông tin với báo chí dịp đầu năm nay, NHNN cũng cho biết: Xét tỷ lệ tín dụng/GDP, hiện nay, Việt Nam đã đạt 124% - mức cao nhất đối với các nước có thu nhập trung bình thấp theo thống kê của WB. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa.
Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng. Trong bối cảnh thị trường thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, áp lực lên tín dụng ngân hàng lại càng lớn. Làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng khi tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã ở ngưỡng cảnh báo? Đó vẫn đang là câu hỏi cần có giải đáp phù hợp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Cần sự điều hành uyển chuyển, linh hoạt
Giải đáp câu hỏi trên, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc hướng đến đa mục tiêu là yêu cầu đặt ra đối với NHNN khi điều hành CSTT.
Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, mỗi chính sách không phải tác động đến tất cả các nhóm xã hội, thậm chí tác động trái chiều nên đứng về mặt xã hội, việc tránh được xung đột lớn không hề dễ dàng. Đơn cử, nếu phá giá đồng tiền thì xuất khẩu, nhập khẩu sẽ khó khăn hơn, người gửi USD phấn khởi nhưng người gửi tiền Việt có thể lo lắng. Có thời điểm, việc điều hành CSTT phải chấp nhận đánh đổi, lựa chọn giữa các mục tiêu.
Cái khó nhất trong điều hành CSTT là phải thực hiện đa mục tiêu. Điều này cần một sự uyển chuyển, linh hoạt, mức độ và tần suất thực hiện các công cụ chính sách phù hợp của nhà điều hành. Muốn đạt được đa mục tiêu, chúng ta phải có nhiều công cụ chính sách, phải có sự phối hợp giữa CSTT và chính sách tài khóa cùng nhiều chính sách khác. Sự phối hợp này đòi hỏi ý chí quyết tâm của NHNN và các bộ, ngành liên quan, sự tính toán kỹ lưỡng cả về ngắn hạn và dài hạn để hạn chế rủi ro.
Linh hoạt nhưng vẫn phải thận trọng, chặt chẽ
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cho rằng, chúng ta cần ưu tiên những mục tiêu kinh tế. Một nền kinh tế trì trệ, suy thoái là dấu hiệu của khủng hoảng. Do đó, các vấn đề phát triển kinh tế cần được xem là ưu tiên hàng đầu trong điều hành CSTT.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thực ra, lạm phát không phải lúc nào cũng là “liều thuốc độc” đối với nền kinh tế mà đôi khi, đây còn là động lực cho phát triển kinh tế. Nếu giá cả tăng thì các nhà sản xuất kinh doanh được khuyến khích sản xuất ra hàng hóa để bán với giá cao. Tuy nhiên, nếu lạm phát ở mức quá cao thì nó có thể gây bất ổn cho nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là trong phát triển kinh tế, cần có sự kiểm soát lạm phát phù hợp.
Cũng từ góc nhìn về lạm phát, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) nhận định: Lạm phát của Việt Nam hiện nay không phải là cao nhưng cũng không thấp. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị suy yếu, hầu hết các nước chưa có tín hiệu hạ lãi suất, nguy cơ cũng như sức ép về lạm phát vẫn có. Vì vậy, mục tiêu chúng ta đặt ra là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thời gian qua, NHNN đã liên tục hạ lãi suất điều hành và có chủ trương mở rộng tăng trưởng tín dụng, đây là động thái rất tích cực. Tuy nhiên, NHNN phải rất thận trọng và kiểm soát thật chặt chẽ để đảm bảo dòng vốn ngân hàng không rơi vào những “lỗ đen” của nền kinh tế, những DN “xác chết”. Nếu không đảm bảo được điều này, nguồn lực của nền kinh tế sẽ bị tiêu tốn và khi kinh tế thế giới biến động bất thường, nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn sẽ chịu tác động lớn. Khi đó, chúng ta sẽ khó có đủ nguồn lực để chống đỡ.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
Thế nhưng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chúng ta nghiêng nhiều về kiểm soát lạm phát thì điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng thắt chặt CSTT quá mức, không khuyến khích được tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất khó khăn. Vì vậy, việc điều hành CSTT phải thực sự linh hoạt nhưng cũng hết sức thận trọng, chặt chẽ và hướng dòng tiền vào các lĩnh vực đảm bảo thanh khoản, những lĩnh vực đang cần vốn để tạo ra sản phẩm.
Cụ thể hơn, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, những DN có khả năng phục hồi, những dự án đầu tư hiệu quả và khả năng thanh khoản nhanh cần được tạo điều kiện về vốn và NHNN phải kiểm soát để dòng vốn chảy vào những dự án đó. Ngược lại, nếu những dự án, DN không có khả năng thanh khoản, vốn đã bị “chôn” mà bây giờ lại tiếp tục bơm tiền thì đó là những “lỗ đen” rất nguy hiểm, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế./.