Kiểm toán Nhà nước - Dấu ấn 2 thập kỷ xây dựng và trưởng thành
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 15:45, 10/07/2018
(BKTO) - Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, KTNN liên tục nâng cao chất lượng hoạt động và không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức, luôn khẳng định được vai trò của mình trong tiến trình đổi mới kinh tế - xã hội toàn diện, được Đảng, Quốc hội và Chính phủ tin cậy, được nhân dân tin yêu và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Khẳng định vai trò
TS. Vũ Đình Ánh |
Bước tiến lịch sử đánh dấu sự trưởng thành của KTNN chính là khi Luật KTNN đầu tiên được ban hành ngày 14/6/2005 căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10.
Sau 1 thập kỷ, KTNN đã khẳng định được vai trò của mình trong tiến trình đổi mới kinh tế - xã hội toàn diện, được Đảng, Quốc hội và Chính phủ tin cậy, được nhân dân tin yêu và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thể chế quản lý tài chính công và tài sản công liên tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Luật hoá hoạt động và vai trò của KTNN không chỉ củng cố vị thế của KTNN, góp phần tích cực vào quản lý tài chính chặt chẽ, hiệu quả, công khai, minh bạch mà còn nâng cao niềm tin, niềm tự hào của cán bộ KTNN trong nỗ lực đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của hoạt động KTNN.
Hiến pháp năm 2013 đã dành Khoản 1, Điều 118 khẳng định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Hơn bao giờ hết, một trong những yếu tố quyết định thành bại của hoạt động KTNN là tính độc lập và thượng tôn pháp luật đã được ghi nhận trong văn bản có tính pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Khoản 2, Điều 118 quy định: “Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu KTNN, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)”. Căn cứ vào Hiến pháp 2013, ngày 24/6/2015, Luật KTNN sửa đổi, bổ sung đã được ban hành thay thế Luật KTNN 2005, tạo cơ sở vững chắc để KTNN bước vào một thời kỳ phát triển mới theo cả chiều rộng và chiều sâu, vươn lên một tầm cao mới.
Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, bên cạnh việc liên tục tổ chức mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động, KTNN còn luôn xác định xây dựng Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kiểm toán. Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán là tổng thể các nguyên tắc cơ bản, các hướng dẫn tác nghiệp và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán, mà Đoàn KTNN, Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành các hoạt động kiểm toán, đồng thời là căn cứ để kiểm soát chất lượng và đạo đức hành nghề Kiểm toán viên nhà nước. Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán của KTNN được hoàn thiện theo hướng tuân thủ Hệ thống các Chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAIs) do Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành. Ngày 15/7/2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN (CMKTNN) gồm 39 Chuẩn mực KTNN và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống CMKTNN. Toàn thể cán bộ KTNN luôn luôn quán triệt phương châm hành động của KTNN là nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm toán, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.
Năm 2017, KTNN kiến nghị xử lý tài chính đối với niên độ ngân sách 2016 là 91.322 tỷ đồng
Nhằm đảm đương tốt trọng trách được Đảng và Quốc hội giao phó, KTNN không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức theo nguyên tắc tổ chức và quản lý tập trung thống nhất dựa trên 4 trụ cột là Bộ máy điều hành, KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và các đơn vị sự nghiệp. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của KTNN bao gồm 32 Vụ và đơn vị tương đương cấp Vụ, trong đó có 8 đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành, 8 đơn vị KTNN chuyên ngành trong các lĩnh vực quốc phòng; an ninh, tài chính và ngân sách đảng, hoạt động cơ yếu, dự trữ nhà nước; ngân sách T.Ư của Bộ, ngành kinh tế tổng hợp; ngân sách T.Ư của Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; đầu tư, dự án hạ tầng cơ sở; đầu tư, dự án công nghiệp, dân dụng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; ngân hàng, các tổ chức tài chính cùng với 13 đơn vị KTNN khu vực có mặt trên mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp như: Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Trung tâm Tin học và Báo Kiểm toán có những đóng góp tích cực vào thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của KTNN suốt gần 1/4 thế kỷ qua.
Trong gần 1/4 thế kỷ qua, nhờ công lao của toàn thể cán bộ nhân viên dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, KTNN đã trưởng thành vượt bậc. Sự phát triển của KTNN trong những năm tới đã được đặt nền móng vững chắc bởi những thế hệ đi trước.
Vươn lên tầm cao mới
Ngày 19/4/2010, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 với mục tiêu: "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. Giá trị cốt lõi mà KTNN hướng tới là: “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả - Không ngừng gia tăng giá trị” và Giá trị cốt lõi của Kiểm toán viên nhà nước hướng tới là: “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”.
Quan điểm chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được xác định là:
Thứ nhất, phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của các địa phương.
Thứ hai, phát triển KTNN đảm bảo quán triệt và phù hợp các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật của Nhà nước và đảm bảo tính độc lập đối với hoạt động KTNN nhằm thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo quy định của pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trong công cuộc đổi mới.
Thứ ba, phát triển KTNN phải đảm bảo quán triệt quan điểm cải cách hành chính nói chung, cải cách tài chính công nói riêng, xác định cho được quy mô hợp lý trong từng thời kỳ đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từng bước xây dựng cơ quan KTNN chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển hợp lý về số lượng hợp lý và nâng cao về chất lượng, hết sức coi trọng về chất lượng, tinh gọn về bộ máy, tiết kiệm kinh phí, hoạt động hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý và hoạt động kiểm toán.
Thứ tư, Nhà nước có chính sách ưu tiên thích đáng các nguồn lực cần thiết cho tổ chức bộ máy và hoạt động của KTNN, chính sách đầu tư phát triển công nghệ thông tin, chính sách hỗ trợ đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thứ năm, phát triển KTNN phải đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Quán triệt 5 quan điểm chiến lược phát triển nêu trên, ngành KTNN đang không ngừng nỗ lực đạt tới các mục tiêu chiến lược đến năm 2020, đồng thời tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo, cao hơn và xa hơn.
Điển hình như năm 2017, KTNN đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính, tài sản công của Nhà nước cũng như mong mỏi và sự tin cậy của nhân dân cả nước. Kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 cho thấy: Tổng hợp kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2017 đối với niên độ ngân sách năm 2016, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 91.322 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu NSNN 19.109 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.447 tỷ đồng, tăng giá trị DN, giá trị vốn nhà nước tại các DN trước khi cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 44.127 tỷ đồng và kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; qua đó góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng, trong đó: Sabeco 2.668 tỷ đồng; Habeco 1.852 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng…, đặc biệt, qua thực hiện phương pháp đối chiếu thuế các DN ngoài quốc doanh, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng và kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng tại 2.344 DN được đối chiếu thuế,... Qua kiểm toán 1.497 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng,... một số Bộ, ngành, địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng; chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỷ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác sai quy định 805 tỷ đồng... KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN, giảm thanh toán, dự toán năm sau 882 tỷ đồng,...
Qua kiểm toán 30 dự án BT từ trước đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Một số Bộ, ngành và địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (vượt được giao 44.667 người, vượt định mức 18.612 người). Tổng Quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi NSNN 859 tỷ đồng. Năm 2017, KTNN đã thực hiện 19 cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án, qua kiểm toán 40 dự án đầu tư theo hình thức BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467 tỷ đồng,…
ết quả kiểm toán DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng cho thấy, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN, quản lý tài sản, công nợ nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí...; qua đó, KTNN đã kiến nghị tăng thu NSNN 9.400 tỷ đồng và 0,42 triệu USD, phần lớn các dự án được kiểm toán đều có các hạn chế, vi phạm ở các mức độ khác nhau trong quá trình thực hiện.
Qua kiểm toán, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản 9.638,7 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của NHNN, hầu hết các ngân hàng thương mại còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng; một số ngân hàng thương mại đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu quản lý...
KTNN đã báo cáo Quốc hội xem xét đối với: khoản chi thường xuyên 233 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chấp thuận bổ sung dự toán NSNN năm 2016 theo quy định của Luật NSNN; việc chuyển đổi 4 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; trường hợp Quốc hội không chấp thuận thì giảm kế hoạch vay năm 2016 là 3.866 tỷ đồng và giảm kế hoạch vay trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 22.010 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KTNN báo cáo UBTVQH ra nghị quyết thu hồi số vốn đã phân bổ từ năm 2015 trở về trước chưa giải ngân 3.407 tỷ đồng do nhiệm vụ chi thuộc giai đoạn trước và đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016, đồng thời ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN, trong đó: hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản (2 luật; 8 nghị định; 31 thông tư; 12 nghị quyết; 38 quyết định; 68 văn bản khác) và chuyển 4 vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra; 2 vụ việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan điều tra tiến hành điều tra.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Theo Báo Kiểm toán số 27,28 ra ngày 10/7/2018