Tìm cơ chế phát huy hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học công nghệ

Đầu tư - Ngày đăng : 20:35, 07/06/2023

(BKTO) - Chi Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%, trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5% - đại biểu Quốc hội phản ánh.
anh.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: VPQH

Quỹ Phát triển KHCN tồn dư hàng chục nghìn tỷ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn TP. Hà Nội) phản ánh, việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển KHCN quốc gia còn nhiều hạn chế.

Theo đại biểu, đến nay là gần 10 năm thành lập Quỹ nhưng vẫn có tình trạng thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực dành cho khoa học, công nghệ còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng Quỹ, cơ cấu chi của Quỹ còn bất hợp lý.

“Chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%. Trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển KHCN tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp” - đại biểu Dương Minh Ánh nêu thực tế và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ KHCN như thế nào, giải pháp để khắc phục tình trạng trên?

Cùng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chỉ rõ, nhiều nhà khoa học cho rằng trong thời gian qua Quỹ Phát triển KHCN giải ngân rất chậm, phê duyệt Quỹ này rất khó nên các nhà khoa học khó tiếp cận nhận được Quỹ.

Bên cạnh đó, hiện nay, ngoài Quỹ Phát triển KHCN của Nhà nước, Quỹ Phát triển KHCN của các doanh nghiệp bây giờ hầu như doanh nghiệp không mặn mà. Theo báo cáo của Bộ KHCN, hằng năm, chỉ có trên dưới 200 doanh nghiệp tham gia vào Quỹ này, đặc biệt là doanh nghiệp FDI không có một doanh nghiệp nào tham gia.

“Phải chăng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua chưa đủ nên doanh nghiệp không mặn mà tham gia quỹ, đặc biệt là doanh nghiệp FDI rất giàu mà họ không tham gia. Tôi đề nghị Bộ trưởng chia sẻ nội dung này để doanh nghiệp yên tâm đầu tư KHCN, tăng năng suất lao động và tăng chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh sản phẩm của họ trên thị trường” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu vấn đề.

Vướng cơ chế, thiếu tính hấp dẫn

Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng  Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo quy định của luật thì Quỹ Phát triển KHCN ở doanh nghiệp được thành lập và được quyền trích kinh phí của mình cho Quỹ này. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì khuyến khích nhưng đối với doanh nghiệp nhà nước thì bắt buộc tỷ lệ trích từ 3 - 10%.

dat.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Về số liệu thống kê giải ngân đầu tư cho KHCN đến nay mới chỉ đạt 60% trên số tiền 23.000 tỷ đồng mà các doanh nghiệp đã trích lập, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, chỉ các doanh nghiệp lớn thì trích quỹ mới có giá trị tương đối lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc trích quỹ rất khó khăn.

Về nguồn lực cũng như phương thức sử dụng Quỹ thế nào cho hiệu quả, Bộ trưởng Bộ trưởng nhìn nhận, các quy định còn vướng mắc, khó khăn, không thu hút được các doanh nghiệp thiết lập Quỹ, ngay cả các doanh nghiệp FDI rất có điều kiện để trích lập quỹ nhưng họ thấy tính hấp dẫn chưa cao, cho nên đến nay các tập đoàn lớn chỉ sử dụng theo cách thức riêng, không thiết lập quỹ, kể cả các trung tâm của Samsung, Panasonic, LG…

“Nguyên nhân là do việc sử dụng Quỹ hiện nay rất khó. Ví dụ, vấn đề mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho đổi mới công nghệ, phục vụ cho quá trình nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp đều rất khó” - Bộ trưởng lý giải.

Mặc dù vừa qua, Bộ KHCN, Bộ Tài chính ban hành những thông tư theo chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các thông tư chưa có tính hấp dẫn cao, chưa thu hút thêm được nhiều các doanh nghiệp trích lập Quỹ.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, thời gian sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để có những cơ chế, chính sách thu hút được các doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển KHCN cũng như sử dụng hiệu quả quỹ của mình. Đặc biệt là tiếp tục triển khai việc cho phép các doanh nghiệp sử dụng Quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc đổi mới công nghệ cũng như phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh của đơn vị…/.

Đ. KHOA