Sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015: Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, toàn diện cho hoạt động KTNN
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:00, 10/07/2018
(BKTO) - KTNN đang tích cực, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 theo tinh thần Kế hoạch số 07-KH/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Việc sửa đổi Luật lần này là cơ hội quý báu để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN một cách đồng bộ, toàn diện hơn; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra với Ngành.
Nghị quyết Trung ương 6 và sự chủ động của KTNN
Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Ban Chấp hành T.Ư thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để thực hiện đổi mới, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức, trong đó có Luật KTNN.
Thực hiện Kế hoạch này, ngày 18/01/2018, Đảng đoàn Quốc hội đã có Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 triển khai thực hiện nhiệm vụ được xác định trong Nghị Quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Căn cứ Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng có công văn gửi KTNN, đề nghị KTNN phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; tích cực xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội thông qua chậm nhất tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Ngay sau khi có chỉ đạo này, ngày 19/01/2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 178/QĐ-KTNN thành lập Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc làm Trưởng ban. Trước đó, với tinh thần chủ động, lãnh đạo KTNN đã có công văn yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tập trung rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật KTNN, trên cơ sở đó, có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật KTNN năm 2015.
Trong năm 2018, KTNN đã tổ chức 4 cuộc hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 - Ảnh: Thu Hường
Tập trung sửa đổinhững vướng mắc, phát sinh từ thực tiễn
Theo Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, việc sửa đổi, bổ sung Luật cần đảm bảo yêu cầu: Đánh giá đúng thực trạng tình hình thi hành Luật hơn 2 năm qua; đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn hoạt động KTNN, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật; việc sửa đổi, bổ sung này phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thi hành Luật KTNN, bảo đảm sát với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, từ các đơn vị được kiểm toán đến các tổ chức có trách nhiệm liên quan để bảo đảm tính khả thi của Luật; đồng thời, tranh thủ sự phối hợp và đóng góp ý kiến từ phía các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và đơn vị được kiểm toán.
Đặc biệt, nội dung sửa đổi Luật lần này sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhất là những bất cập, bức xúc phát sinh từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, nhằm tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KTNN.
Với tinh thần đó, qua 4 Hội thảo “Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015”, tham luận, ý kiến của các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với thực tiễn. Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình, Luật KTNN năm 2015 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Luật cũng đã khẳng định nguyên tắc: ở đâu có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì ở đó có KTNN…Tuy nhiên, dù mới có hiệu lực được hơn 2 năm nhưng trước sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, Luật đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần sớm được khắc phục, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và nâng cao hiệu quả thi hành Luật KTNN.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cũng thẳng thắn chia sẻ: Không thể vì lý do Luật KTNN mới có hiệu lực mà chúng ta “ngại” sửa. Bởi nếu không sửa đổi, bổ sung thì Luật sẽ không phát huy được hiệu lực thi hành và khó đi vào đời sống.
Đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng, việc khắc phục, tháo gỡ một số khó khăn trong quy định của Luật KTNN năm 2015 và thực tiễn hoạt động KTNN sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, giúp Quốc hội có thông tin xác đáng để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, giám sát tối cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.
Đảm bảo tính độc lập và hiệu lực hoạt động của KTNN
Dưới những góc nhìn khác nhau, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ về thực trạng thi hành, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, tập trung vào các vấn đề: phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN; mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm hạn chế trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan; nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN…
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, quy định về đối tượng trong Luật KTNN năm 2015 còn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết đối tượng, điều này dẫn đến những khó khăn cho hoạt động kiểm toán, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, cần nhận thức đúng, đầy đủ về đối tượng kiểm toán của KTNN, đồng thời quy định đầy đủ hơn, đảm bảo bao quát toàn bộ đối tượng quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp, bất cứ nguồn lực tài chính, tài sản công nào cũng thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN. Xác định phạm vi kiểm toán của cơ quan KTNN cũng là một hình thức duy trì tính độc lập của KTNN. Theo đó, không có nguồn lực tài chính công, tài sản công nào được ngoại trừ, không chịu sự kiểm toán của KTNN.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ - cho rằng, cần phải mở rộng phạm vi, đối tượng của KTNN đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và xác định rằng những đối tượng này phải được kiểm toán và nên được kiểm toán, không phụ thuộc vào năng lực của cơ quan kiểm toán.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - kiến nghị, sửa đổi Luật KTNN năm 2015 nhất thiết phải làm rõ hơn vấn đề về chức năng, nhiệm vụ của KTNN, đảm bảo tính độc lập cao với vai trò là một thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập, đặc biệt là chức năng đánh giá và xác nhận. Đây là 2 chức năng quan trọng của KTNN, đồng thời là cơ sở để phân biệt rõ chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác.
Nhìn rõ thực tế và những bất cập về sự chồng chéo trong hoạt động giữa KTNN với các cơ quan thanh tra thời gian vừa qua, các đại biểu thống nhất cho rằng, đây là vấn đề cần được quan tâm khi sửa đổi Luật KTNN. PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - phân tích: Chức năng của các cơ quan thanh tra, KTNN trong hệ thống Nhà nước pháp quyền của Việt Nam phân biệt rất rõ. KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất của Nhà nước với chức năng đánh giá, xác nhận độ tin cậy, tính hợp lý của các thông tin kinh tế, tài chính do cơ quan hành pháp trình ra, giúp Quốc hội có đầy đủ thông tin, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Còn cơ quan thanh tra là cơ quan phát hiện ra sai sót và có quyền xử lý sai sót. Vì vậy, việc chồng chéo giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra và KTNN chủ yếu do quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. “Cần đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định của Luật KTNN, Luật NSNN, Luật Thanh tra… Đồng thời, thống nhất các quy định bảo đảm sự kết hợp, phân công rõ ràng để thực hiện đúng thẩm quyền của mỗi cơ quan, hạn chế sự chồng lấn, trùng lặp dẫn tới khó khăn cho cơ quan kiểm tra, thanh tra cũng như đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán” - ông Đặng Văn Thanh đề xuất.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đề xuất, Luật cần phân định theo hướng: Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công là hoạt động thường niên, KTNN thực hiện kiểm toán theo quy định của Hiến pháp và Luật KTNN năm 2015. Các cơ quan thanh tra chỉ thực hiện thanh tra các đối tượng này khi có những vụ việc mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thấy cần thiết phải làm rõ hoặc các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Để khắc phục tình trạng thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, cùng với việc phát sinh những hành vi vi phạm như: không cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu, cản trở việc kiểm toán, che giấu các hành vi vi phạm về tài chính, ngân sách… đại biểu Phạm Thị Thu Trang và nhiều đại biểu đề nghị, trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, cần quy định chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh các chủ thể có hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt là hành vi không thực hiện hoặc chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán…
Những ý kiến góp ý xuất phát từ tinh thần khoa học và mang đậm tính thực tiễn sẽ là cơ sở quan trọng, căn cứ xác đáng để KTNN tiếp thu, chuẩn bị, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; đồng thời tiến hành các bước tiếp theo để đảm bảo hoàn thành việc sửa đổi Luật đúng tiến độ mà Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã đề ra.
N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 27-28 ra ngày 10/7/2018