Tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
Đầu tư - Ngày đăng : 13:21, 08/06/2023
Hoàn thiện căn cứ pháp lý để tháo gỡ vướng mắc
Sáng 08/6, sau khi báo cáo một số vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) nêu rõ: Thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thanh khoản dòng tiền, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể nói là khủng hoảng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn; gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin của thị trường và nhà đầu tư, nên việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu đạt thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.
“Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này? Quan điểm chỉ đạo và những giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới” - đại biểu đề nghị.
Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, khó khăn của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cùng với những khó khăn khác, làm ảnh hưởng tới điều hành kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp bị vướng mắc do quản lý khâu luân chuyển, sử dụng dòng tiền trong đòn bảy tài chính còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Bên cạnh đó, một số trường hợp vẫn còn vi phạm, vừa rồi ngành công an cũng đã điều tra và truy tố.
Theo Phó Thủ tướng, thị trường trái phiếu hiện nay chưa có sự bền vững về cơ cấu, đặc biệt số nhiều trên thị trường là rủi ro. Ví dụ như, bất động sản, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi bị tác động của dịch cũng khó khăn về mặt tài chính, do đó, thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất khó khăn.
“Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trái phiếu đến hạn thanh toán tính đến 31/12/2022 là khoảng 1,2 triệu tỷ, trong đó đáo hạn của năm 2023 là 290.000 tỷ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thanh toán” - Phó Thủ tướng thông tin.
Cùng với đó, thị trường bất động sản cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân về pháp lý, về cơ cấu sản phẩm như sản phẩm giá thấp ít, sản phẩm giá cao nhiều; năng lực chủ đầu tư.
Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã lập tổ công tác do hai Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đưa ra giải pháp.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời chỉ đạo hoàn thiện căn cứ pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc để cho thị trường hoạt động một cách thông suốt và hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành và sửa đổi nhiều nghị định, như Nghị định 65, Nghị định 08…
Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động này công khai, minh bạch.
Tránh hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá
Trả lời chất vấn của đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) về giải pháp tổng thể điều hành giá, đảm bảo kiểm soát được lạm phát, tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá, khi điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 01/7/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, điều hành giá là một nghệ thuật, cần hết sức uyển chuyển trong điều kiện chúng ta điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Nguyên tắc là phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, việc điều hành giá phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường. Do đó, phải nắm bắt thị trường để có những giải pháp, kịch bản điều hành cho uyển chuyển và đáp ứng được yêu cầu, đạt được mục tiêu Quốc hội giao. Đây là mục tiêu tối thượng hàng đầu.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, muốn giữ được giá phải đáp ứng được quan hệ cung, cầu; đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, lương thực…
Đồng thời, phải thực hiện các quy định pháp luật về giá, kiểm soát giá với những mặt hàng Nhà nước định giá, còn đối với những mặt hàng Nhà nước không định giá theo thị trường thì thực hiện theo quy định pháp luật như: niêm yết, kê khai, kiểm tra các yếu tố hình thành giá… để có những chấn chỉnh kịp thời.
Cùng với đó, phải tuyên truyền, thông tin đầy đủ về thông tin giá để đông đảo nhân dân hiểu và ủng hộ việc điều hành giá của Chính phủ, tránh lạm phát cũng như tăng giá mà chúng ta không kiểm soát được.
“Trong thời điểm tháng 7 là tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, chúng tôi đã tính toán rất kỹ, cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức quan tâm để kiểm soát giá, để cuối năm 2023 đạt được CPI trong mức Quốc hội cho phép không vượt quá 4,5%” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.