Sở hữu chéo ngầm sẽ làm méo mó hoạt động kinh tế

Tài chính - Ngày đăng : 17:22, 10/06/2023

(BKTO) - Sửa Luật Các tổ chức tín dụng sẽ tạo căn cứ pháp lý vững chắc để kiểm soát, quản lý và xử lý tình trạng sở hữu chéo - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết.
khai.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Xử lý sở hữu chéo còn khó khăn

Sáng 08/6, trực tiếp chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) nêu: Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại, bất chấp ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện tái cơ cấu. Hệ lụy là nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng lại bùng lên, đặc biệt khi sự kiện Vạn Thịnh Phát nổ ra đầu hồi tháng 10/2022. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn và vừa cho vay; nghĩa là không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng vốn huy động, là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt.

Theo Phó Thủ tướng, việc sở hữu chéo sẽ tác động đến những hành vi thao túng trong hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là các hoạt động tín dụng.

Để xử lý sở hữu chéo trong các ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chính phủ đã rất quan tâm. Với chức năng là đảm bảo an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại và giữ được giá trị đồng tiền, NHNN đã rất tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, việc xử lý sở hữu chéo hiện nay còn có những khó khăn.

“Vốn điều lệ nếu được công khai thì chúng ta xử lý được ngay và không còn trường hợp sở hữu chéo mà chúng ta phát hiện trên hồ sơ, sổ sách. Tuy nhiên, trong thực tế thì có thể là đứng tên hộ, có thể là nhờ người... nên cũng rất khó khăn. Do đó, trong quá trình kiểm tra, đánh giá, nhận định và kết luận những vấn đề này đòi hỏi cũng phải có sự phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật thì mới giải quyết được” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ rõ, trong sở hữu chéo không chỉ sở hữu về vốn mà còn sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng.

“Ví dụ như dành món tín dụng cho những nhóm lợi ích có sở hữu chéo ngầm thì rất nguy hiểm, sẽ làm méo mó các hoạt động kinh tế, không công khai, minh bạch và sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường chung. Việc này Chính phủ cũng đã chỉ đạo và NHNN cũng thường xuyên thanh tra” - Phó Thủ tướng nói.

Để hạn chế tối đa sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN hoàn thiện về cơ chế, chính sách, rà soát lại hết tất cả những quy định liên quan tới hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại để hoàn thiện theo quy định.

Trong đó, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Các tổ chức tín dụng và đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, để có căn cứ pháp lý hết sức vững chắc để kiểm soát, quản lý và xử lý những trường hợp này.

Cùng với đó, phải tăng cường cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát. Theo đó, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải hoạt động độc lập, đủ năng lực và triển khai hoạt động thanh tra hết sức hiệu lực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

“Thanh tra, kiểm tra hết nhưng đánh đúng, đánh trúng thì chúng ta xử lý được tình huống. Còn nếu thiết kế một mô hình, tổ chức và cán bộ năng lực không đáp ứng yêu cầu thì cũng không thực hiện được” - Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng cũng đề cập đến vai trò hệ thống kiểm soát nội bộ phải tự phát hiện ra, khi thấy lệch chuẩn cho vay chung, lệch tiêu chuẩn thì phải xử lý kịp thời trong nội bộ của ngân hàng. NHNN cần xem các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ là một cánh tay dài của thanh tra NHNN để xử lý.

Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, công khai, minh bạch để các nhà đầu tư, kể cả trong và ngoài nước và nhân dân có thông tin để kiểm tra, giám sát.

Sớm trình Quốc hội giải pháp ứng phó với chính sách thuế Tối thiểu toàn cầu

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) về định hướng hành động và giải pháp ứng phó với vấn đề thuế Tối thiểu toàn cầu.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: VPQH

Phó Thủ tướng nêu rõ, thuế Tối thiểu toàn cầu là một trong những vấn đề thời sự hiện nay.

Tháng 6/2021, nhóm G7 đã đạt được thỏa thuận thuế Tối thiểu toàn cầu, ấn định mức thuế Thu nhập doanh nghiệp khoảng 15% nếu nộp ở nước sở tại; nếu ở nước đầu tư có chênh lệch thì phải xử lý ở mặt bằng 15%.

Đến tháng 7/2021, nhóm G20 cũng đã thống nhất về giải pháp 2 trụ cột đối với thuế Tối thiểu toàn cầu và chia sẻ thuế giữa các nước, đặc biệt là có những nền tảng công nghệ. Đến cuối năm 2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã có 138 nước thống nhất về khung.

Hiện nay, các nước đã tham gia và đã nội luật hóa dự kiến trong năm 2023 và có hiệu lực thi hành năm 2024.

Đối với vấn đề này, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm, có nhiều diễn đàn và có chỉ đạo về vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá tác động để đưa ra đề xuất.

“Tổ công tác này sẽ đề xuất với Thủ tướng sau đó trình Chính phủ và trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới, nếu kịp thì trong tháng 10 về những chính sách thuế liên quan đến thuế Thu nhập doanh nghiệp” - Phó Thủ tướng cho biết, đồng thời nhấn mạnh, chúng ta hội nhập sâu rộng, chúng ta có quyền thuế nhưng vẫn bảo đảm được quyền, nghĩa vụ hợp pháp của các nhà đầu tư và lợi ích của quốc gia./.

Đ. KHOA