Kinh nghiệm quốc tế về lập Báo cáo tài chính nhà nước
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 19:48, 09/06/2023
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, theo Luật Kế toán năm 2015, Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng, lập BCTCNN trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Thông qua 4 lần lập BCTCNN (từ năm 2018 đến nay), từng cấp quản lý, trong đó cấp cao nhất là Quốc hội nắm được tài sản và nguồn lực của quốc gia, từ đó có những giải pháp, hoạch định chính sách vĩ mô, chủ trương, đường lối, hướng đi của nền kinh tế đất nước.
Ông Vũ Đức Chính nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng BCTCNN, Bộ Tài chính rất mong muốn nhận được ý kiến tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia về cách tiếp cận, cách hiểu và phương thức lập BCTCNN hợp nhất. Đây là những nội dung rất quan trọng để Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xem xét, nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Việc lập BCTCNN là một nhiệm vụ mới, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Kho bạc Nhà nước trong việc đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng hoạt động của Kho bạc Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng quản lý tài chính công của Chính phủ.
Hiện nay, Kho bạc Nhà nước đang từng bước hoàn thiện công tác tổng hợp, lập BCTCNN, phấn đấu BCTCNN năm 2025 phản ánh trung thực, khách quan thông tin, số liệu tài chính nhà nước theo quy định của Luật Kế toán. Qua đó, các cấp quản lý có thể đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng thông tin, số liệu BCTCNN cho việc phân tích, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, xây dựng và điều hành chính sách liên quan đến tài chính công, tài sản công.
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Hoàn thiện khung pháp lý, phát triển các hệ thống thông tin phục vụ lập BCTCNN, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, nâng cao chất lượng cán bộ…
Tham luận về chủ đề "Sự cần thiết và giá trị của BCTCNN trong quản lý tài chính nhà nước", ông Henning Diederichs - Giám đốc chuyên môn ICAEW - đã phân tích giá trị, lợi ích và cách thức áp dụng lập BCTCNN.
"Quản lý tài chính công là cách Chính phủ quản lý các nguồn lực công, nhằm hướng tới 3 mục tiêu chung là duy trì tình hình tài chính bền vững, phân bổ hiệu quả các nguồn lực và cung cấp hiệu quả hàng hóa và dịch vụ" - chuyên gia của ICAEW nhấn mạnh.
Sau Tọa đàm, thông qua các ý kiến, phát biểu của đại biểu các bộ, ngành, địa phương về khó khăn, vướng mắc trong công tác kế toán, lập báo cáo tài chính của đơn vị và BCTCNN tỉnh, Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán và Kho bạc Nhà nước tiếp thu, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền những giải pháp phù hợp nhất./.