Xây dựng văn hóa kiểm toán với những giá trị cốt lõi để phát triển KTNN bền vững

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 09:30, 11/07/2018

(BKTO) - Văn hóa kiểm toán (VHKT) là một bộ phận quan trọng của văn hóa công sở, công chức và công vụ; đồng thời là cơ sở đạo đức, trụ cột tinh thần và nguồn năng lượng đảm bảo cho sự phát triển hoạt động kiểm toán, cơ quan KTNN một cách bền vững. Việc thiết lập và triển khai thực hiện VHKT nhằm đạt được các giá trị cốt lõi của Kiểm toán viên (KTV), của cơ quan KTNN, tăng cường tính liêm chính và đạo đức, tinh thần tự hào nghề nghiệp và tăng cường sự gắn kết, đoàn kết trong cơ quan KTNN, trong mỗi đơn vị, đoàn, tổ kiểm toán đã và đang trở thành một yêu cầu tất yếu.


Từ những giá trị tư tưởng được phản ánh trong thực tiễn hoạt động kiểm toán, VHKT có thể được đúc kết: “Là việc hình thành một cộng đồng kiểm toán và các giá trị, tư tưởng cốt lõi trong thực tiễn kiểm toán nhiều năm được công nhận và thực hiện rộng rãi trong cộng đồng đó”.

Sự hình thành và phát triển của VHKT, các giá trị cốt lõi của KTV được hình thành dần dần trong thực tiễn hoạt động kiểm toán thông qua tích lũy và được thể hiện sâu trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Sau nhiều năm thảo luận và đúc kết, cộng đồng kiểm toán đã đi đến sự thống nhất rằng, các giá trị cốt lõi kiểm toán là trách nhiệm, trung thành, liêm chính, tuân thủ luật pháp, độc lập và lòng tận tụy với nghề nghiệp.

Các giá trị này tạo cảm hứng và chỉ dẫn như là “kim chỉ nam” cho các KTV thực hiện công việc tốt hơn và nâng cao giá trị của bản thân. Ý nghĩa và lý tưởng của VHKT hiện nay là xác định trách nhiệm, duy trì lòng trung thành, bảo vệ tính liêm chính, nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp, tôn trọng tính độc lập và duy trì sự tận tụy.

Kiểm toán viên nhà nước (thứ 2,3 từ trái sang) đi thực địa - Ảnh Tư liệu 2006

Trách nhiệm

Trách nhiệm là hoàn thành những công việc phải thực hiện theo phân công và quy định, điều này cũng có nghĩa là tránh những việc làm sai trái và phải gánh hậu quả nếu sai phạm. Đối với công việc kiểm toán, trách nhiệm nghĩa là thực hiện tốt các nghĩa vụ được quy định bởi Hiến pháp, Luật Kiểm toán, luật pháp và quy định có liên quan. Đồng thời, cống hiến cho công tác kiểm toán, hoàn thành công việc phù hợp với yêu cầu mệnh lệnh và các yêu cầu khác, phát huy đầy đủ các chức năng kiểm toán như một “hệ thống miễn dịch”, hoạt động nhằm bảo vệ tài chính công, tài sản công, nghiêm túc bảo vệ lợi ích công và an ninh quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia, bảo đảm nền kinh tế - xã hội phát triển lành mạnh và chịu trách nhiệm giải trình về mọi sai sót trong quá trình kiểm toán. Trách nhiệm như là một sự bắt buộc, lý tưởng và mục tiêu cá nhân của một con người. Nhiệm vụ của KTV theo luật định là thực hiện công việc kiểm toán và công việc liên quan, bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân, chỉ ra và kiến nghị xử lý những cá nhân, tập thể gây ra thiệt hại đối với lợi ích đó.

Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội và nhu cầu kiểm toán ngày càng tăng, KTV cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm và sứ mệnh của mình, phấn đấu theo sát các hoạt động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường giám sát và thúc đẩy mọi động lực, đưa ra các ý kiến mang tính xây dựng, bảo đảm sự phát triển khoa học và bền vững của nền kinh tế - xã hội. Một khi ý thức về trách nhiệm được thiết lập và nâng cao trong việc kiểm toán, có thể tạo ra sự hỗ trợ mạnh mẽ về tư tưởng cho KTV để cống hiến cho công việc và hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển sự nghiệp kiểm toán một cách khoa học và bền vững.

Trung thành

Sự trung thành có nghĩa là sự chân thành, tôn trọng, tuân thủ và thành thật với một đối tượng cụ thể. Trong kiểm toán, lòng trung thành có nghĩa là lòng yêu đất nước và nhân dân, tin tưởng vào đường lối, lý tưởng của chế độ XHCN, tôn trọng pháp luật và các quy định, tôn trọng sự thật và công lý, cống hiến cho sự nghiệp KTNN.

Hiện nay, Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển đổi kinh tế và xã hội mạnh mẽ, các mâu thuẫn cũng như xung đột xã hội đã và đang xảy ra bởi các luồng thông tin, tư tưởng trái chiều, con người chịu sự ảnh hưởng của tất cả các loại tư tưởng và khái niệm khác nhau một cách thường xuyên. Trong điều kiện đó, điều quan trọng là phải gìn giữ lòng trung thành. Được chỉ dẫn bởi các giá trị cốt lõi của nền kinh tế XHCN, các KTV phải nâng cao lòng trung thành, chịu trách nhiệm trước quốc gia, nhân dân, lịch sử và xã hội, cống hiến cho công tác kiểm toán với chí khí và tinh thần cao để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó theo pháp luật, nỗ lực vì sự nghiệp kiểm toán.

Liêm chính

Tính liêm chính có nghĩa là không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được bất kỳ lợi ích cá nhân hoặc nhóm nào trong các hoạt động công chức, công vụ.

         
...Năm 2018 tiếp tục tập trung vào các giải pháp đồng bộ về giáo dục chính trị, tư tưởng, nêu cao bản lĩnh, tính gương mẫu của cán bộ, công chức ngành KTNN gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên, thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, kiểm toán viên trong thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị. Đặc biệt là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ.
   
   (Trích phát biểu chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của KTNN)
Trong hoạt động kiểm toán, tính liêm chính có nghĩa là sự cảnh giác, tự nhìn nhận bản thân và tự tuân theo kỷ cương, kỷ luật. Các KTV phải củng cố và tăng cường nhận thức về công chức, công vụ, tăng cường tự trau dồi và luôn có ý thức chống lại mọi cám dỗ lợi ích vật chất. Họ phải nghiêm ngặt tuân theo “Những điều không được làm” trong kiểm toán và các quy định về tính liêm chính khác, điều chỉnh chặt chẽ, thống nhất suy nghĩ và hành vi, không tìm kiếm lợi ích cá nhân, làm việc và sống trung thực. KTV không sống trong một thế giới, xã hội biệt lập mà họ sống, làm việc trong nhiều mối quan hệ tương tác phức tạp và sẽ gặp nhiều cám dỗ trong công việc. Chỉ khi liêm chính, KTV thực sự có thể là người vô tư, khách quan, hăng say, thận trọng và thực hiện nghĩa vụ của mình thông qua kiểm toán một cách có hiệu quả, để kiểm toán có thể được thực hiện thành công, đạt được kết quả tốt.

Ngoài ra, KTV có thể chống lại sự cám dỗ, chống lại vi phạm pháp luật, duy trì hình ảnh tốt của cơ quan kiểm toán và KTV của mình một cách có hiệu quả. Tính liêm chính cũng có nghĩa là KTV phải trong sạch, đáng kính trọng và không liên quan đến tham nhũng, hối lộ; điều chỉnh tư duy, hành vi của họ để làm gương cho người khác và xã hội.

Tuân thủ pháp luật

Tính tuân thủ pháp luật có nghĩa là thực hiện, xử lý công việc theo luật, quy tắc và quy định áp dụng liên quan. Thực hiện kiểm toán dựa trên luật pháp yêu cầu KTV thực hiện cuộc kiểm toán theo luật pháp và các quy định, tuân thủ nguyên tắc coi sự thật là cơ sở, nền tảng; coi luật pháp như các tiêu chí đánh giá, giải quyết các vấn đề kiểm toán theo luật pháp và các quy định, bảo vệ chân giá trị của pháp luật để đảm bảo rằng luật pháp được thi hành nghiêm túc và truy tố đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật.

Kiểm toán dựa trên luật pháp là bắt buộc, quan trọng đối với các quy định của pháp luật, đối với việc xây dựng một Chính phủ dựa trên luật pháp và một nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là nguyên tắc cơ bản cho cơ quan kiểm toán và KTV, việc thực hiện kiểm toán khoa học nhằm cải thiện quản trị quốc gia hiệu quả là rất quan trọng, đồng thời là cơ sở cho phát triển chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán và thực tiễn; việc tuân thủ pháp luật ảnh hưởng sâu sắc đến cách suy nghĩ, tiêu chí, hành vi của KTV. KTV phải thực hiện chức năng giám sát bằng các biện pháp pháp lý trong phạm vi pháp luật, ủng hộ, tôn trọng, nhấn mạnh vào áp dụng luật pháp và có ý thức điều chỉnh những từ ngữ, hành vi của họ trở thành tấm gương tuân thủ luật pháp.

Độc lập

Tính độc lập là việc không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ lực lượng, những hạn chế và can thiệp từ bên ngoài. Trong kiểm toán, tính độc lập có nghĩa là KTV phải công bằng, vô tư, không bị áp lực và chịu ảnh hưởng bởi bên ngoài khi xử lý các vấn đề kiểm toán. KTV phải tránh và không để bất kỳ sự can thiệp tiềm ẩn nào vào các tổ chức, nhân sự, ngân quỹ, tuân thủ các nguyên tắc, làm việc công bằng, khách quan.

Là một phần quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, tính độc lập được coi là linh hồn của kiểm toán. KTV phải có ý thức hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của các yếu tố bên ngoài, chống lại các cám dỗ về những lợi ích không chính đáng, chống lại những hành vi vi phạm pháp luật, không e ngại khi đưa ra ý kiến phản biện trong suốt quá trình kiểm toán. Nếu KTV không thể thoát khỏi sự can thiệp, thao túng từ bên ngoài, sự ràng buộc cám dỗ thì họ không thể tiến hành kiểm toán một cách suôn sẻ để đạt được kết quả trong nhiệm vụ của mình.

Ngày nay, để thực hiện các quyền hạn một cách độc lập và thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ theo pháp luật, KTV phải độc lập, luôn luôn tư duy, dám nghĩ, dám làm để không ngừng đổi mới hệ thống kiểm toán, các khái niệm, tổ chức và phương pháp thực hiện kiểm toán.

Tận tụy

Sự tận tụy có nghĩa là sự sẵn sàng phục vụ và đóng góp cho các mục tiêu cụ thể bất kể có nhận được báo đáp hay đền bù hay không. Trong kiểm toán, sự tận tụy nghĩa là KTV có ý thức cao về sứ mệnh lịch sử, ý thức trách nhiệm xã hội mạnh mẽ, tinh thần làm việc hăng say, cao quý; làm việc một cách tỉ mỉ, thận trọng, không phàn nàn hoặc tiếc nuối, phát huy sáng kiến ​​chủ quan để vượt qua mọi khó khăn, áp lực; làm việc chăm chỉ và cống hiến cho sự phát triển của sự nghiệp kiểm toán.

Sự tận tụy có thể thúc đẩy và tăng thêm niềm vinh dự, tự hào cùng với thành tích của KTV. Họ luôn cố gắng làm việc để đạt được các mục tiêu kiểm toán, thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp kiểm toán, tích hợp việc ý thức các giá trị cá nhân và giá trị tập thể của các KTV với ý thức về sự đóng góp của kiểm toán đối với đất nước, nhân dân và xã hội. Sự tận tụy đòi hỏi KTV phải luôn luôn theo đuổi mục tiêu đặt ra về chính trị và tư tưởng, trau dồi nhân cách đạo đức tốt, bình tĩnh, tự tin trong một môi trường làm việc khó khăn và biến động, nâng cao phẩm chất nghề nghiệp cũng như khả năng làm việc của họ, điều chỉnh thái độ để không ngừng nâng cao chất lượng và kết quả công việc kiểm toán. Vì tác động của sự tận tụy, KTV không chỉ hăng hái phấn đấu đạt được những thành quả mà còn ý thức sự phát triển và tự hoàn thiện cá nhân.

PHAN TRƯỜNG GIANG - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN
Theo Báo Kiểm toán số 27,28 ra ngày 10/7/2018