Làm rõ tiêu chí kiểm toán hoạt động điều hành chính sách tiền tệ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:04, 13/06/2023

(BKTO) - Việc nghiên cứu và xây dựng các tiêu chí đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.

Ngày 13/6, tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ “Kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia trong Ngành để hoàn thiện Đề tài.

Đề tài do CN. Phan Trường Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII và ThS. Nguyễn Xuân Toàn (KTNN chuyên ngành VII) đồng chủ nhiệm.

2(1).jpg
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang - Chủ nhiệm Đề tài - chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ly

Trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Xuân Toàn cho biết, hằng năm, KTNN đều thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) và một số hoạt động của NHNN theo Luật NHNN và Luật KTNN, trong đó, kiểm toán công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) là một trong những nội dung kiểm toán quan trọng.

Tuy nhiên, việc kiểm toán, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả, kinh tế của việc điều hành CSTT còn hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện, tính thuyết phục của các phát hiện và kiến nghị chưa cao. Đến nay, KTNN vẫn chưa xây dựng được các tiêu chí phù hợp để làm cơ sở hướng dẫn kiểm toán đánh giá việc điều hành CSTT.

Việc kiểm toán đối với công tác điều hành CSTT được thực hiện theo hướng dẫn kiểm toán chung trong lĩnh vực kiểm toán tài chính ngân hàng mà chưa có hướng dẫn riêng. Vì vậy, nghiên cứu và xây dựng các tiêu chí đánh giá hoạt động điều hành CSTT của NHNN là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán đối với NHNN. 

6.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ThS. Nguyễn Xuân Toàn, từ kinh nghiệm kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng cũng như nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước, Ban Đề tài đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá ở góc độ lý luận và thực tiễn để đưa ra các kiến nghị, đề xuất cơ bản, có tính định hướng nhằm hoàn thiện các thủ tục kiểm toán, xây dựng các tiêu chí phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành CSTT của NHNN.

Theo đó, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các tiêu chí kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành CSTT của NHNN; phương thức tổ chức thực hiện kiểm toán hoạt động điều hành CSTT; điều kiện cần thiết phục vụ cho việc xây dựng hướng dẫn kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành CSTT của NHNN.

7.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Bùi Thị Minh Ngọc góp ý với Ban Đề tài về loại hình kiểm toán hoạt động và xây dựng tiêu chí đối với kiểm toán CSTT. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại Hội thảo, các ý kiến đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài về giá trị khoa học và thực tiễn. Để nâng cao chất lượng Đề tài, Ban Đề tài cần tập trung làm rõ hơn cơ chế điều hành của NHNN và sự phối hợp của các chính sách, trong đó có chính sách tài khóa với CSTT. Đây là lý luận quan trọng làm cơ sở luận giải cho các chương sau.

Để đảm bảo tính thuyết phục trong xây dựng các tiêu chí kiểm toán, Ban Đề tài phân tích rõ hơn các hạn chế, nguyên nhân về tiêu chí kiểm toán; các bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế cần tập trung vào cơ sở, kinh nghiệm trong xác định tiêu chí kiểm toán.

Theo Luật NHNN, CSTT quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra”. Như vậy, để đánh giá CSTT,  cần có những tiêu chí đánh giá CSTT gắn với việc đạt mục tiêu lạm phát. Bên cạnh đó, cần có sự đánh giá CSTT trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Hiện tại, các tiêu chí Ban Đề tài đưa ra đều là đánh giá “từng lần” thực hiện các công cụ CSTT. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu nên cân nhắc bổ sung các tiêu chí đánh giá theo một khoảng thời gian, bởi CSTT là một loại chính sách vĩ mô, có sự tác động sâu, rộng và trong một khoảng thời gian nhất định đối với nền kinh tế.

Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang đã giải trình một số nội dung trong kết quả nghiên cứu và khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài trước khi đưa ra Hội đồng nghiệm thu./.

THÙY LÊ