Rủi ro kiểm toán - vấn đề cần được bàn thảo
Kiểm toán - Ngày đăng : 08:45, 14/06/2023

Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thể hiện hiệu lực kiểm toán và cũng thể hiện chất lượng kiểm toán. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, trong những năm qua, nhất là từ cuối năm 2020, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II đã thường xuyên rà soát, đôn đốc đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Năm 2021, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN chuyên ngành II đạt 99,1%, năm 2020, tỷ lệ này là 98,3% còn năm 2019 đạt 96,3%.
Đến ngày 05/6/2023, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị năm 2022 của KTNN chuyên ngành II là 88,3%; trong khi đó, còn gần 6 tháng nữa mới hết thời hạn đơn vị được kiểm toán báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN chuyên ngành II đều đạt 96 - 99%.
Vì sao một số kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện?
Tuy việc thực hiện kiến nghị đạt tỷ lệ như trên nhưng vẫn còn một số kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN chuyên ngành II những năm trước đó chưa được đơn vị thực hiện.
Theo KTNN chuyên ngành II, thứ nhất, nguyên nhân khách quan là do một số đơn vị được kiểm toán chưa quan tâm và chủ động tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, chưa có chế tài để xử lý đơn vị được kiểm toán không thực hiện kết luận, kiến nghị, ngoài việc KTNN kiểm tra, đôn đốc rồi báo cáo cấp trên; cấp trên lại đôn đốc đơn vị...
Thứ hai, một số kết luận, kiến nghị kiểm toán khi được ban hành thì cơ chế, chính sách đã thay đổi (do kiểm toán năm nay đối với niên độ năm trước) dẫn đến việc đơn vị khó thực hiện. Trong khi đó, việc sửa kết luận, kiến nghị kiểm toán đòi hỏi quy trình rất phức tạp.
Thứ ba, các kiến nghị của KTNN liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều cơ quan nhà nước. Những kiến nghị này thường liên quan đến cơ chế, chính sách hoặc những vấn đề cụ thể, đòi hỏi nhiều cấp, nhiều ngành phải phối hợp xử lý. Chẳng hạn, KTNN kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phải làm việc với Bộ Tài chính... trong khi đó, KTNN không tham gia vào quá trình làm việc của các cơ quan này.
Các đơn vị được kiểm toán cũng không chủ động báo cáo KTNN về kết quả tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Tại cuộc làm việc với KTNN chuyên ngành II về kết quả rà soát tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá: Trong một thời gian ngắn, KTNN chuyên ngành II đã rà soát tổng thể việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong giai đoạn dài, từ năm 2014 đến ngày 05/6/2023 và xây dựng được báo cáo khá công phu. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh yêu cầu KTNN chuyên ngành II tiếp tục phối hợp với các vụ tham mưu để hoàn chỉnh báo cáo của đơn vị.
Phó Tổng kiểm toán yêu cầu Vụ Tổng hợp chủ trì cùng các vụ tham mưu cho lãnh đạo Ngành ban hành hướng dẫn cụ thể về một số nội dung để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành.
Bên cạnh đó, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn vướng mắc cũng do nguyên nhân chủ quan từ cơ quan kiểm toán. Một là, các kết luận, kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng chủ yếu liên quan đến các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành, phạm vi rộng, không chỉ liên quan đến các Bộ, ngành mà còn liên quan đến các địa phương trên toàn quốc.
Hơn nữa, không loại trừ có kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực sự thuyết phục đơn vị được kiểm toán hoặc đôi khi có một số cụm từ còn khó hiểu, dẫn đến khó tổ chức thực hiện hoặc có kiến nghị chưa bao quát hết tất cả điều luật trong khi nội dung lại được quy định ở rất nhiều luật khác nhau.
Số lượng này không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
2 nhóm giải pháp tăng tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán
Thực trạng trên cho thấy, để nâng cao tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, vấn đề quan trọng hàng đầu là KTNN cần thường xuyên rà soát, trao đổi, đôn đốc, cập nhật kết quả thực hiện của đơn vị được kiểm toán.

Tại KTNN chuyên ngành II, chỉ trong 6 tháng (từ ngày 31/12/2022 đến ngày 05/6/2023), qua việc rà soát, làm việc với đơn vị được kiểm toán, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của nhiều đơn vị đã tăng từ 70% lên 90%.
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực trong việc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện và báo cáo KTNN khu vực. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực chưa thực sự chặt chẽ nên KTNN chuyên ngành chủ trì cuộc kiểm toán chưa nắm bắt được kết quả thực hiện kiến nghị của đơn vị để cập nhật vào kết quả chung của cuộc kiểm toán.
Rủi ro kiểm toán cần được quan tâm và hiểu rõ
Theo các chuyên gia về kiểm toán, việc tìm giải pháp để tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là cần thiết, song chúng ta không nên kỳ vọng đơn vị được kiểm toán thực hiện 100% kết luận, kiến nghị. Bởi lẽ, theo Luật KTNN, hoạt động kiểm toán nhà nước chỉ xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo, thông tin tài chính được kiểm toán (không có quy định về tính chính xác); kết luận, kiến nghị dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro.
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đánh giá, xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo, thông tin tài chính được kiểm toán; không đề cập đến việc xác nhận tính chính xác.
Điều đó hàm nghĩa là: Các ý kiến đánh giá, xác nhận của KTNN vẫn chứa đựng tỷ lệ sai sót có thể chấp nhận được.
Như vậy, việc đánh giá, xác nhận tính trung thực, hợp lý vẫn chứa đựng rủi ro (vẫn có tỷ lệ sai sót rất nhỏ do chưa được cơ quan kiểm toán rà soát khi kiểm toán và đơn vị được kiểm toán cần tiếp tục rà soát). Tỷ lệ sai sót này có thể chấp nhận được.
Rủi ro kiểm toán được quy định trong chuẩn mực kiểm toán. Không nên kỳ vọng đơn vị được kiểm toán thực hiện 100% kiến nghị.
TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II
Nhìn sang lĩnh vực thuế, đối với Luật Quản lý thuế - Luật bắt buộc mọi công dân phải thực thi, chúng ta đều thấy rằng vẫn có nợ thuế và sau một thời gian nhất định, Quốc hội đã quyết định xóa một số khoản nợ thuế.
Vấn đề đặt ra là, tại sao có những khoản nợ thuế được xóa mà không xóa được những kết luận, kiến nghị kiểm toán nhất định? Tất nhiên, không loại trừ những kết luận, kiến nghị chưa thực sự hợp lý; tuy nhiên, vấn đề này cũng cần được nhìn nhận đa chiều hơn.
Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà từ khi ngành kiểm toán ra đời, nhiều cơ quan kiểm toán tối cao cũng đã quy định về rủi ro kiểm toán trong chuẩn mực kiểm toán.
Rủi ro kiểm toán được hiểu là trong báo cáo kiểm toán có thể có những kết luận, kiến nghị kiểm toán dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro và một số sai sót trọng yếu có thể bị bỏ qua dẫn đến đưa ra ý kiến không thuyết phục.
Vậy tại sao chúng ta không chấp nhận rủi ro kiểm toán? Vấn đề quan trọng mà cơ quan kiểm toán cần hướng tới là hạn chế tối đa rủi ro kiểm toán, bởi lẽ, tỷ lệ rủi ro kiểm toán càng thấp thì chất lượng kiểm toán càng cao./.