Kiểm toán nhà nước: Chú trọng chất lượng, không tăng số cuộc kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:02, 14/06/2023
Tham dự cuộc họp còn có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, lãnh đạo các đơn vị kiểm toán, đơn vị tham mưu trong toàn Ngành.
Không tăng số nhiệm vụ kiểm toán
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn đã trình bày tóm tắt định hướng, hướng dẫn xây dựng KHKT năm 2024.
Theo đó, việc xây dựng KHKT phải dựa trên nguyên tắc: Đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013; tuân thủ Luật KTNN và các quy định của pháp luật. Đảm bảo định hướng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KHKT trung hạn 2023-2025; phù hợp với nguồn lực của KTNN; cân đối giữa KHKT với kế hoạch công tác, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN, và kế hoạch kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN; dự phòng chủ động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao...
KHKT năm 2024 phải đảm bảo theo đúng mục tiêu: “Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2030, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, gia tăng hiệu lực kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm ra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Về số lượng cuộc kiểm toán, ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, năm 2024, KTNN xác định không tăng số nhiệm vụ kiểm toán so với KHKT năm 2023, đồng thời phải đảm bảo: Kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan Trung ương tối thiểu đạt 90% số bộ, cơ quan Trung ương: kiểm toán ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách địa phương tối thiểu đạt tỷ lệ 90% số địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin tối thiểu đạt tỷ lệ 27% tổng số nhiệm vụ của năm. Các đơn vị xây dựng KHKT năm 2024 đảm bảo các chỉ tiêu thông báo dự kiến cuộc kiểm toán tối thiểu năm 2024 theo hướng dẫn của Ngành.
Đảm bảo tốt nguồn lực cho hoạt động kiểm toán
Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn, khi đề xuất số lượng cuộc kiểm toán, cũng như phương án tổ chức kiểm toán năm 2024, các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải đảm bảo yêu cầu: 01 kiểm toán viên chỉ tham gia 02 cuộc kiểm toán (không tính các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN tại các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương), trường hợp đặc biệt báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định.
“Yêu cầu này nhằm đảm bảo kiểm toán viên dành thời gian tham gia các công việc khác, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ, đáp ứng yêu cầu, chất lượng kiểm toán” - ông Vũ Ngọc Tuấn thông tin.
Tại cuộc họp, các ý kiến đã tập trung trao đổi về dự kiến KHKT năm 2024; đồng thời đề xuất một số nội dung kiểm toán để bổ sung vào dự kiến KHKT năm. Đặc biệt, các ý kiến đã tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán; đảm bảo bố trí nguồn lực kiểm toán phù hợp, cân đối với các nhiệm vụ khác…
“Dựa trên định hướng, hướng dẫn và nguyên tắc xây dựng KHKT của Ngành, đơn vị sẽ đề xuất số cuộc kiểm toán phù hợp, đảm bảo bố trí nguồn lực tốt nhất cho nhiệm vụ kiểm toán” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III Lê Quí Hưng cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về vấn đề xây dựng KHKT năm 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá cao các ý kiến tham gia góp ý về định hướng, hướng dẫn xây dựng KHKT năm 2024 của Ngành.
Năm 2024, KTNN sẽ không tăng số cuộc kiểm toán; các đơn vị cần tham mưu đề xuất các nhiệm vụ kiểm toán đảm bảo đúng, trúng theo định hướng về xây dựng KHKT của Ngành, đồng thời chủ động cân đối nguồn lực để tham gia, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán, đảm bảo chất lượng kiểm toán.
- Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn -
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng để chuẩn bị cho năm kiểm toán 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải thống nhất nhận thức về định hướng, nguyên tắc trong tiếp cận chủ đề, nội dung kiểm toán của KTNN để xây dựng KHKT, đề xuất cuộc kiểm toán, trong đó bám sát những vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội quan tâm.
Lưu ý đối với từng loại hình, nội dung kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng trao đổi, giải đáp câu hỏi của các đơn vị kiểm toán; đồng thời yêu cầu các đơn vị bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao để đề xuất nội dung kiểm toán phù hợp, trong thẩm quyền và không tăng số cuộc kiểm toán so với năm 2023.
Về vấn đề nhân sự tham gia đoàn kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị chủ động sắp xếp nguồn lực của đơn vị phù hợp, linh hoạt, song phải đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực để tham gia kiểm toán; cân đối nguồn lực giữa nhiệm vụ kiểm toán với các nhiệm vụ khác của đơn vị và của Ngành./.