Báo chí luôn đồng hành vì sự phát triển của Kiểm toán nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:33, 16/06/2023

(BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung khẳng định: Các cơ quan báo chí đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành vì sự phát triển của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
00.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. Ảnh: THÁI ANH

Thưa Phó Tổng Kiểm toán nhà nước! Trong hành trình 29 năm xây dựng và phát triển, KTNN luôn có sự đồng hành của các cơ quan báo chí. Sự đồng hành này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của KTNN?

Theo thông lệ quốc tế, hình ảnh, uy tín của cơ quan kiểm toán tối cao luôn gắn liền với sức mạnh của truyền thông, báo chí. Với KTNN Việt Nam, đây cũng không phải là ngoại lệ.

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 nêu rõ: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Đây là sứ mệnh của KTNN và sứ mệnh ấy cần được khơi dậy, lan tỏa, cổ vũ mạnh mẽ thông qua chất lượng kiểm toán và hệ thống các cơ quan báo chí.

Với các đóng góp của các cơ quan báo đài, thông tin về KTNN và kết quả kiểm toán đã đến được với các cơ quan dân cử và công chúng. Hay nói cách khác, báo chí là kênh thông tin quan trọng để đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và công chúng hiểu hơn và đánh giá đúng về hoạt động cũng như kết quả kiểm toán của KTNN.

29 năm xây dựng và phát triển, KTNN luôn quan tâm tới công tác truyền thông, coi đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành. Sự kết nối, phối hợp với các cơ quan báo chí cũng như việc làm tốt công tác truyền thông tạo nên sức mạnh to lớn, những hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của KTNN không chỉ ở trong nước mà còn cả trên trường quốc tế.

Vậy bà có thể cho biết công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan báo chí đã được triển khai như thế nào trong những năm qua?

Như đã đề cập, truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của KTNN, trong suốt chặng đường 29 năm xây dựng và phát triển, nhất là những năm gần đây, KTNN đã thiết lập mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan báo đài trung ương và địa phương, trong đó phải kể đến việc KTNN ký kết, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp với 5 cơ quan báo chí, gồm: Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Đại biểu nhân dân.

Thông qua các cơ quan báo chí, nhiều vấn đề, lĩnh vực kiểm toán mà dư luận xã hội quan tâm đã được phản ánh, tạo sức lan tỏa trong xã hội, góp phần phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và đóng góp tích cực vào công cuộc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, nhiều sự kiện, mốc son quan trọng trong hành trình 29 năm xây dựng và phát triển KTNN đã được phản ánh kịp thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của KTNN như: Hiến định địa vị pháp lý của KTNN, Luật KTNN được Quốc hội thông qua, đăng cai tổ chức thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 năm 2018 (Đại hội ASOSAI 14)…

Thành công của Đại hội ASOSAI 14 và việc KTNN hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 có sự đóng góp tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế, đặc biệt là 5 cơ quan đã ký Quy chế phối hợp công tác với KTNN. Ngoài ra, trong những năm qua, KTNN đã luôn chủ động, tạo điều kiện cho phóng viên các báo, đài tham dự các sự kiện, hoạt động quan trọng của Ngành, tiếp cận phỏng vấn lãnh đạo, tìm hiểu thực tế, khai thác thông tin về tổ chức và hoạt động cũng như kết quả kiểm toán của KTNN theo quy định, đặc biệt là việc tổ chức họp báo công khai kết quả kiểm toán theo Luật KTNN.

Có thể nói, sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN và các cơ quan báo chí thời gian qua đã truyền tải thông tin về KTNN một cách nhanh chóng, chính xác, trung thực; giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân hiểu, đánh giá đúng về hoạt động KTNN cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác kiểm toán; góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của KTNN cả ở trong nước và trên trường quốc tế.

4.jpg
Họp báo công bố kết quả kiểm toán. Ảnh tư liệu

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về KTNN, thời gian tới, KTNN và các cơ quan báo chí cần phải thực hiện tốt các giải pháp nào, thưa bà?

Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 xác định phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong hành trình tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công có uy tín, trách nhiệm và hiện đại, KTNN luôn cần sự đồng hành của các cơ quan báo chí.

Theo đó, các cơ quan báo chí cần bám sát định hướng, kế hoạch truyền thông của KTNN, phối hợp chặt chẽ với KTNN và các đơn vị trực thuộc KTNN để nâng cao hiệu quả truyền thông; tăng tần suất các tin, bài phản ánh sâu về lĩnh vực KTNN và hoạt động KTNN. Trong đó, trọng tâm nội dung thông tin là kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ cho đội ngũ kiểm toán viên, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu lực kiểm toán, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Về phía KTNN, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung đã được ký kết trong Quy chế phối hợp công tác với các cơ quan báo chí; định kỳ hằng năm tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động; chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể, chi tiết để làm căn cứ thực hiện. KTNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí; tổ chức tập huấn cho phóng viên chuyên trách, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho báo chí tiếp cận, khai thác thông tin về hoạt động của KTNN.

Thưa bà! Năm 2024, KTNN sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Để có thể thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về KTNN và toàn bộ kế hoạch hoạt động tổ chức Lễ kỷ niệm, KTNN đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí như thế nào?

Năm 2024, KTNN sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (11/7/1994 - 11/7/2024). Tổng Kiểm toán nhà nước đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN đã thành lập các tiểu ban để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chuẩn bị chu đáo cho công tác tổ chức Lễ kỷ niệm, trong đó điểm nhấn là công tác thông tin tuyên truyền.

Trên cơ sở đó, KTNN đã ban hành Hướng dẫn Tuyên truyền, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu và nội dung tuyên truyền. Tiểu ban Tuyên truyền đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để tuyên truyền về KTNN và các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN. Đây sẽ là dịp để báo chí thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế về những thành tựu, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của KTNN trong quá trình 30 năm hình thành và phát triển; những đóng góp, vai trò, vị thế của KTNN trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế; làm nổi bật, sâu sắc hơn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của KTNN đáp ứng xu thế phát triển, tình hình, bối cảnh và thực tiễn trong giai đoạn mới của đất nước.

Việc phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền về KTNN và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN sẽ góp phần khơi dậy lòng tự hào nghề nghiệp, lòng yêu Ngành, yêu nghề, đề cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa nghề nghiệp, đạo đức công chức công vụ, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN. Đây sẽ là nguồn cổ vũ, khích lệ toàn Ngành thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VII, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

Việc thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan báo chí đã giúp thông tin chính xác, kịp thời về hoạt động, kết quả kiểm toán của KTNN; định hướng dư luận, nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về kiểm toán của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cũng như xác định đúng vai trò và vị thế của KTNN.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung

HỒNG NHUNG - THÀNH ĐỨC (thực hiện)