An Giang cần cách làm, tư duy mới, đột phá để phát triển bứt phá

Đối nội - Ngày đăng : 22:05, 18/06/2023

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, chiều 17/6, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
img0745-1687000938708985665331.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Chính phủ

Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho An Giang phát triển nhanh, bền vững.

Trước đó, trong chương trình công tác tại An Giang, Thủ tướng và đoàn công tác đã dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; thăm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT An Giang; thăm gia đình thương binh tại thành phố Châu Đốc.

Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng

Báo cáo của tỉnh An Giang và các ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân An Giang đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, hiệu quả và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với cách làm, tư duy mới, đột phá để phát triển bứt phá.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và ý kiến các đại biểu, đồng thời lưu ý một số trọng tâm.

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, An Giang cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Thủ tướng lưu ý việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân với các giải pháp như giảm lãi suất cho vay, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư tư nhân và thu hút FDI, nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu…

Chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Khẩn trương trình ban hành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, Chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến. Xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị…

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ phát triển mạnh kinh tế biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh về phát triển kinh tế, góp phần đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia.

2.jpg
Thủ tướng: Cần tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và các dự án trọng điểm của tỉnh. Ảnh: Chính phủ

Tiếp tục đầu tư cao tốc từ Châu Đốc tới cửa khẩu Tịnh Biên

Thủ tướng nêu rõ, cần tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và các dự án trọng điểm của tỉnh, khai thác lợi thế giao thông đường thủy.

Cùng với đó, xây dựng các nút giao kết nối các trung tâm kinh tế với đường cao tốc và khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư… với đường cao tốc, khai thác hiệu quả sử dụng đất hai bên đường cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Thủ tướng lưu ý tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong khai thác và cung ứng nguồn vật liệu phục vụ các dự án cao tốc để kết nối đồng bộ, thông suốt tuyến cao tốc từ cửa khẩu Tịnh Biên tới cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng).

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến chỉ đạo, chủ trương xử lý các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Theo đó, An Giang có 4 kiến nghị đề xuất hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư 4 dự án đường và cầu.

Về đầu tư dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và từ điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi cửa khẩu Khánh Bình, Thủ tướng nhấn mạnh cần huy động cả nguồn vốn Trung ương và địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, chủ trương là giao tỉnh An Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu triển khai theo hình thức hợp tác công tư) và là chủ đầu tư (nếu đầu tư công).

Về 3 đề xuất còn lại (đầu tư tuyến đường tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung, xây dựng cầu Tôn Đức Thắng nối thành phố Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, dự án xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự trên Quốc lộ N1), Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn, các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị hỗ trợ vốn Trung ương và huy động các nguồn vốn khác, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tinh thần là giao tỉnh làm chủ đầu tư./.

HỒNG NHUNG