Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023

Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 19/06/2023

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 6 và 6 tháng năm 2023.
2(2).jpg
Cần đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Trong đó làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, diễn biến mới phát sinh trong tháng 6 và đề xuất, kiến nghị giải pháp cần triển khai thực hiện trong nửa cuối năm 2023.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chú trọng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển các ngành, lĩnh vực so với mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023, cũng như so sánh với cùng kỳ các năm trước, đồng thời dự báo tình hình trong thời gian tới để có những đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp.

Cụ thể, đối với Ngân hàng Nhà nước, cần tập trung phân tích, dự báo diễn biến điều hành chính sách tiền tệ của FED, ngân hàng trung ương và giải pháp ứng phó trong nước; việc điều hành giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp; việc bảo đảm ổn định của hệ thống ngân hàng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tình hình thực hiện công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ…

Đối với Bộ Tài chính, cần phân tích, đánh giá tình hình thu - chi ngân sách nhà nước; việc xây dựng chính sách thuế, phí… hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế; việc phát hành, đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, những tác động của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đến thị trường trái phiếu, chứng khoán; việc phối hợp với Bộ Y tế triển khai đấu thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế tập trung.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu phân tích, đánh giá việc quản lý, phân phối bán lẻ xăng dầu; tình hình hoạt động của các nhà máy điện, việc thiếu điện, cắt điện, đảm bảo nguồn điện trong nước; tình trạng thiếu nước tại các đập thủy điện, khả năng cung cấp điện trong các tháng cao điểm nắng nóng và đề xuất các giải pháp ứng phó với các tình huống xảy ra; tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng trong nước…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; tình hình nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án cao tốc; việc bảo đảm hoạt động của hệ thống đăng kiểm; quản lý hoạt động vận tải đường bộ và hàng không…

Bộ Xây dựng cần phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thị trường bất động sản, trong đó đánh giá kỹ tình hình khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản; tình hình triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần báo cáo về tình hình sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong nước; công tác phòng chống mưa lũ, hạn hán, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp; tình hình giá cả, nguồn cung - cầu các ngành để có các giải pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung báo cáo về hạn hán, lưu lượng nước khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo nguồn nước phục vụ vận hành các nhà máy thủy điện, tình trạng thiếu nước tại nhiều hồ lớn…

Còn Bộ Y tế báo cáo về tình hình triển khai việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh bảo đảm nguồn cung trong nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

PHÚC KHANG