Tháo gỡ khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Đầu tư - Ngày đăng : 16:42, 19/06/2023

(BKTO) - Là một trong những cơ quan được giao nguồn vốn đầu tư công năm 2023 lớn nhất cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Trong quá trình triển khai dự án đầu tư đã nảy sinh những bất cập, vướng mắc, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công.
0a8657bf1d7ccc22956d.jpg
Cần tháo gỡ khó khăn trong quản lý chi phí dự án. Ảnh: TL

Phát sinh nhiều bất cập

Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Hoàng Văn Thắng, thời gian qua, hệ thống thể chế quản lý định mức, giá xây dựng, hợp đồng xây dựng, các định mức, suất vốn đầu tư được rà soát, hoàn thiện, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, thực tiễn tình hình mới cũng làm phát sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Trong đó, nổi lên 3 nhóm khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng như: Khó khăn trong tổ chức xây dựng, ban hành và áp dụng định mức; tổ chức xác định, công bố giá xây dựng tại các địa phương; quản lý hợp đồng xây dựng, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, điều chỉnh tổng mức, dự toán xây dựng công trình.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực tập trung nhiều dự án có mức đầu tư lớn, tuy nhiên, nhiều dự án thời gian qua phải điều chỉnh, làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt. Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT) Nguyễn Hải Thanh cho rằng, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc điều chỉnh do giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao. “Trên thực tế, việc công bố giá vật tư, vật liệu xây dựng của địa phương còn chậm, chưa sát với thị trường, dẫn đến chi phí lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn” - ông Thanh cho biết; đồng thời lưu ý về tình trạng cùng một dự án trải qua địa bàn 2 tỉnh, song giá nhân công công bố giữa các tỉnh khác nhau, gây khó khăn trong việc xác định giá nhân công cho chủ đầu tư.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn do Bộ NNPTNT quản lý, trong năm 2023, Bộ được giao 9.852 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng) và 1.614 tỷ đồng đề nghị kéo dài từ năm 2022 sang năm nay.

Làm rõ thêm về những khó khăn trong quản lý chi phí, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, do các tác động tiêu cực trong và ngoài nước thời gian gần đây khiến giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao; cùng với yêu cầu hình thành các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư rất lớn, quản lý phức tạp, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng đã xuất hiện những bất cập không theo kịp, gây cản trở thực tiễn.

Ông Hoàng Xuân Thịnh - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Bộ NNPTNT) cho biết, hệ thống định mức mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với công nghệ thi công hiện tại. Một số định mức có quy định hay thuyết minh chưa rõ, gây khó khăn trong quá trình lập, thẩm tra, thẩm định cũng như thanh tra, kiểm toán.

Khơi thông nguồn lực để triển khai dự án

Trên cơ sở nhận diện một số nguyên nhân khiến công tác lập, quản lý chi phí dự án gặp nhiều khó khăn, các ý kiến cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần phối hợp tìm ra giải pháp để khắc phục, đảm bảo tiến độ, hiệu quả dự án đầu tư công.

Liên quan đến giá vật liệu xây dựng, Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, thẩm quyền công bố giá vật liệu thuộc về địa phương. Tuy nhiên, việc công bố giá vật liệu xây dựng phải phù hợp với giá thị trường, gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, phù hợp với khả năng cung ứng của thị trường. Để chấn chỉnh tình trạng giá vật liệu xây dựng do địa phương công bố thấp hơn so với thị trường, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra để làm rõ; đồng thời thường xuyên cập nhật, công bố giá và chỉ số giá xây dựng để giúp hoạt động quản lý xác lập chi phí khi thực hiện dự án được thuận lợi.

Liên quan đến vấn đề giá nhân công, ông Tuấn nhấn mạnh, căn cứ theo Điều 26, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trường hợp chủ đầu tư thấy không phù hợp thì tổ chức xác định giá nhân công theo thị trường. Các chủ đầu tư cần lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, cơ quan chuyên môn của địa phương để có dữ liệu đơn giá nhân công tương đồng với công bố của địa phương trước khi áp dụng mức giá phù hợp.

Đồng tình với các biện pháp được Bộ Xây dựng thực hiện thời gian qua, về lâu dài, các ý kiến cho rằng: Bộ cần ưu tiên tập trung chỉnh sửa các định mức còn bất cập, ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng; xây dựng mới các định mức mang tính cấp thiết, còn thiếu trong hệ thống định mức; đồng thời hướng dẫn các địa phương đối với việc công bố giá xây dựng minh bạch, công khai, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường.

Về phía Bộ NNPTNT, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng, địa phương nơi có dự án Bộ NNPTNT đang quản lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của ngành. “Đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và kịp thời triển khai các diễn đàn trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án của ngành nông nghiệp” - ông Thanh cho biết; đồng thời nhấn mạnh, với lượng lớn nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng, việc tháo gỡ vướng mắc trong quản lý chi phí dự án mang ý nghĩa rất quan trọng để lấy lại đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2023./.

Để chấn chỉnh tình trạng giá vật liệu xây dựng do địa phương công bố thấp hơn so với thị trường, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra để làm rõ; đồng thời thường xuyên cập nhật, công bố giá và chỉ số giá xây dựng để giúp hoạt động quản lý xác lập chi phí khi thực hiện dự án được thuận lợi.

- Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) -

PHỐ HIẾN