Quốc hội đồng ý thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự

Đối nội - Ngày đăng : 15:00, 20/06/2023

(BKTO) - Sáng 20/6, với 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Trong đó, Quốc hội đồng ý thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự.
bq.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: VPQH

Luật Phòng thủ dân sự quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự…

Luật xác định rõ nguyên tắc, phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm "4 tại chỗ" kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân.

Đồng thời, kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên quan đến Quỹ Phòng thủ dân sự, quá trình thảo luận, việc có nên thành lập Quỹ này hay không còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án, trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án và gửi phiếu xin ý kiến đại biểu.

Cụ thể, phương án 1 như thể hiện tại Điều 40 Dự thảo Luật; phương án 2 quy định “trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.

Kết quả, trong tổng số 373 đại biểu tham gia, có 255 đại biểu tán thành phương án 1 (chiếm 68,36% số đại biểu tham gia biểu quyết và bằng 51,62% tổng số đại biểu); 118 đại biểu tán thành phương án 2 (chiếm 31,64% số đại biểu tham gia biểu quyết và bằng 23,89% tổng số đại biểu).

Trên cơ sở ý kiến thảo luận và kết quả xin ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đại đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc có Quỹ Phòng thủ dân sự, do đó việc thành lập Quỹ này là cần thiết.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Phòng thủ dân sự; việc điều tiết giữa Quỹ Phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Đ. KHOA