Hải Dương tích cực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Địa phương - Ngày đăng : 13:07, 23/06/2023
Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu
Chương trình OCOP đã giúp tỉnh Hải Dương từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế. Toàn tỉnh hiện có 234 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng. Tỉnh Hải Dương đang dần thích ứng với tình hình mới, từng bước đưa sản phẩm lên website, sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các kênh phân phối online khác để đẩy mạnh tiêu thụ.
Xác định việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và tăng cường hỗ trợ để đưa tất cả những sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart.vn, Lazada, Shopee, Tiki... để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương chủ yếu tham gia giao dịch trên 2 sàn TMĐT là sàn Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn Voso.vn của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel với tổng số gần 600 sản phẩm. Hơn 108.000 hộ sản xuất trong tỉnh đã có tài khoản trên các sàn TMĐT, 117.000 hộ được đào tạo kỹ năng số, đạt tỷ lệ 33% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hải Dương là tỉnh đứng thứ 16 trong cả nước về số hộ có gian hàng trên sàn TMĐT.
Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền trong tỉnh đến với người tiêu dùng trong nước. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu, nắm rõ những thông tin về sản phẩm và yên tâm tin tưởng lựa chọn.
Để cung cấp sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, đơn vị sản xuất chỉ cần có giấy chứng nhận, đăng ký sản phẩm, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên quan đến sản phẩm như: hình ảnh, giá bán. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương được đưa lên giao dịch tại các sàn TMĐT đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Một số sản phẩm được khách hàng trong, ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn và đặt mua nhiều như: bánh đậu xanh Rồng Vàng, hành khô Kinh Môn, rau hữu cơ HD Green, ...
Theo đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, mua bán trên các sàn TMĐT là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Sắp tới, tỉnh sẽ có kế hoạch thành lập các Tổ công nghệ cộng đồng ở các thôn, khu dân cư để hỗ trợ các hộ xây dựng gian hàng số trên các sàn TMĐT nhằm đẩy mạnh hình thức giao dịch hiện đại, chuyển đổi phương thức giao dịch truyền thống và hướng tới mục tiêu “Mỗi hộ sản xuất nông nghiệp là một gian hàng số”.
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử
Dù đã phát huy hiệu quả nhưng việc tiêu thụ hàng hóa qua các sàn TMĐT vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do phương thức bán hàng này còn khá mới mẻ, trong khi người nông dân lại có thói quen bán hàng qua các thương lái. Việc tiếp cận hướng dẫn, đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm khó vận chuyển đi xa vì chi phí cao hoặc thị trường cạnh tranh lớn cũng tạo nhiều rào cản trong quá trình tham gia vào “sân chơi” mới này.
Trong kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, năm 2023, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các hộ sản xuất có đủ điều kiện, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, OCOP... Các ngành chức năng và đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, mở gian hàng và các hoạt động bán hàng trên sàn TMĐT. Việc triển khai kế hoạch sẽ góp phần hỗ trợ các hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT, thúc đẩy tiêu thụ nhanh với giá cả ổn định, góp phần tránh tình trạng ùn ứ nông sản khi vào cao điểm mùa thu hoạch.
Ông Mai Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD Green ở thị trấn Gia Lộc, Hải Dương chia sẻ: thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, các doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm của mình thì phải đưa thông tin sản phẩm của mình lên đa kênh, bán hàng trực tiếp trên sàn TMĐT như lazada, shopee, sàn TMĐT OCOP,... Nhờ sàn TMĐT, ông đã đưa được thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng và bán rất tốt trên sàn thương mại điện tử.
Để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển của các sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn chú trọng, quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Trong đó, việc thực hiện ứng dụng chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu trong nền công nghiệp 4.0 hiện nay.
Bên cạnh đó, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, chính doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP cần tăng cường tuyên truyền sản phẩm tới người tiêu dùng, chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực vận hành trên sàn TMĐT, cải thiện chất lượng nội dung đăng tải trên các sàn TMĐT nhằm thu hút khách hàng và người tiêu dùng./.