Nhiều kiến nghị cải thiện môi trường làng nghề

Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 16:38, 23/06/2023

(BKTO) - Nhiều làng nghề chưa thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường (BVMT), nước thải từ các cơ sở sản xuất cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường còn tồn tại nhiều năm chưa được xử lý kịp thời… Đây là những hạn chế được chỉ ra qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
bb.jpg
Công tác quản lý, BVMT tại các làng nghề còn nhiều hạn chế, bất cập. Ảnh sưu tầm

Chưa kịp thời trong ban hành văn bản quản lý và thực tiễn triển khai

Kết quả kiểm toán công tác quản lý, BVMT tại các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2021 cho thấy, công tác quản lý, BVMT tại các làng nghề còn nhiều hạn chế, bất cập.

Cụ thể, công tác xây dựng, ban hành và cập nhật văn bản, quy định liên quan đến quản lý, BVMT tại các làng nghề chưa đầy đủ, kịp thời và phù hợp. 27 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý chưa được Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành hoặc chỉ đạo các Sở, ban, ngành ban hành theo thẩm quyền. Đặc biệt, thiếu quy chế phối hợp trong quản lý, BVMT tại các làng nghề làm cơ sở xác định trách nhiệm, vai trò chủ trì/phối hợp của từng cơ quan có liên quan dẫn đến buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, nhiều làng nghề chưa thành lập tổ chức tự quản về BVMT; vẫn còn tình trạng cấp phép thành lập mới đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các làng nghề được rà soát, đánh giá và phân loại là ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động chưa lập kế hoạch BVMT... Công tác di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề gặp khó khăn do các cơ sở này chủ yếu sản xuất, kinh doanh theo hộ gia đình với quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp, không có khả năng chi trả cho việc thuê đất, xây dựng nhà xưởng trong các cụm công nghiệp…

Mặt khác, nước thải từ các cơ sở sản xuất trong các làng nghề chưa được xử lý, đặc biệt là xả vào các công trình thủy lợi dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và một số kênh tưới tiêu không còn khả năng tiếp nhận thêm tải lượng chất ô nhiễm. Chưa kể, hầu hết các làng nghề chưa xây dựng hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thoát nước mưa tách riêng, không có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật BVMT; chất thải rắn từ hoạt động sản xuất tập kết chung với chất thải sinh hoạt làm tăng gánh nặng ngân sách nhà nước cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại… Thậm chí, kết quả quan trắc các chỉ tiêu về không khí cho thấy, ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm về bụi, tiếng ồn và hàm lượng Benzen...

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về BVMT tại các làng nghề còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường còn tồn tại nhiều năm chưa được xử lý kịp thời. UBND các cấp chưa bố trí nguồn lực đảm bảo tỷ lệ 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác BVMT làng nghề; thiếu xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT theo quy định…

Từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề

Qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh: Tập trung xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển làng nghề gắn với BVMT; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; chú trọng các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT làng nghề.

Xây dựng chiến lược phát triển làng nghề gắn với yêu cầu BVMT và các chương trình xây dựng nông thôn mới; bổ sung tiêu chí BVMT vào các tiêu chí để công nhận làng nghề; đổi mới công tác quản lý làng nghề bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề vay vốn ưu đãi để thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, các công nghệ phù hợp để xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn và chất thải rắn; được hưởng các chính sách ưu đãi như: Miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất... khi di dời vào cụm công nghiệp làng nghề và phải tuân thủ các quy định BVMT của cụm công nghiệp.

Tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về BVMT; tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm và xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề của địa phương; nghiên cứu đề xuất giải pháp và triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; nghiên cứu lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường ở những địa phương có nhiều làng nghề tập trung; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về BVMT ở làng nghề.

UBND cấp huyện: Rà soát các tiêu chí BVMT đối với các làng nghề được công nhận; hướng dẫn các hộ/cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện các hồ sơ BVMT theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện và tiếp tục vi phạm về BVMT; rà soát lại quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; rà soát, tổng hợp và đề xuất giải pháp, nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng BVMT trên địa bàn, trong đó lưu ý xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách riêng với hệ thống thu gom nước mưa.

Tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, lạc hậu; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, BVMT tại các làng nghề và việc tuân thủ quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng, nhà xưởng tại các cụm công nghiệp làng nghề theo quy định./.

KTNN kiến nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác BVMT làng nghề theo quy định tại Đề án Tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

NGUYỄN THỊ NGUYỆT ANH - KTNN chuyên ngành III