Sau khủng hoảng, xác định được Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2023
Kinh tế - Ngày đăng : 20:04, 23/06/2023
Thị trường bảo hiểm biến động mạnh
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2022, thị trường bảo hiểm có những biến động mạnh mẽ, mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn trước, song vẫn tương đối ổn định, đảm bảo thực hiện vai trò lá chắn cho nền kinh tế trước rủi ro.
Điều này được phản ánh qua việc hàng loạt các chỉ tiêu quan trọng của thị trường bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng khả quan. Số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng cho thấy, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,1% so với năm trước.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận sự bứt phá mạnh (+15,3%) so với mức tăng khiêm tốn 4,3% của năm 2021, đồng thời đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, với bảo hiểm sức khỏe là sản phẩm có tỷ trọng lớn nhất.
Việc thực hiện tốt chức năng chi trả quyền lợi bảo hiểm cũng được ghi nhận trong năm 2022 với tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả khoảng trên 64.018 tỷ đồng (tăng 23,3% so với năm 2021). Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 656.423 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2021. Những con số trên đã thể hiện sự đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước cũng như an sinh xã hội trong năm khó khăn vừa qua.
Sang giai đoạn đầu năm 2023, ngành bảo hiểm phải đối mặt cuộc khủng hoảng lớn. Loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.
Sự việc trên chưa dừng lại ở đó mà được đẩy lên cao trào khi một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bị tố tư vấn mập mờ và thiếu trách nhiệm với khách hàng, dẫn đến lượng tin tiêu cực về ngành bảo hiểm (phần lớn là thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội hoặc theo phương thức truyền miệng) gia tăng đột biến.
Kết quả là tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận, đây là giai đoạn khó khăn của thị trường. Tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, sẽ còn rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, ở góc độ tích cực, đây là cơ hội để toàn ngành bảo hiểm nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn; là một đợt thanh lọc tốt để thị trường chấn chỉnh, hoàn thiện, phát triển minh bạch và bền vững để chứng minh vai trò, lợi ích cũng như nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.
Theo ý kiến của các chuyên gia, để bước qua cuộc khủng hoảng niềm tin này, cùng với sự điều hành của các cơ quan quản lý, cần phải có sự hợp tác của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thông qua các hoạt động tư vấn đúng, trúng mục đích của khách hàng.
Ngành bảo hiểm rơi vào khủng hoảng truyền thông
Trên phương diện truyền thông, ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch HĐQT của Vietnam Report cho biết, kết quả phân tích chỉ ra 4 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông đối với ngành bảo hiểm, gồm: Hình ảnh/PR/scandals, Sản phẩm/dịch vụ, Khách hàng/mối quan hệ với khách hàng, Tài chính/kết quả kinh doanh.
Trong đó, nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/scandals vẫn giữ được vị trí đứng đầu và có xu hướng gia tăng (+5,7% so với năm trước). Đáng chú ý, nhóm chủ đề Khách hàng/mối quan hệ với khách hàng có sự gia tăng đáng kể (tăng gấp 2,4 lần so với năm trước) vươn lên đứng vị trí thứ 3 trong 4 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều trên truyền thông năm nay.
Bằng việc tập trung đơn giản hóa và số hóa các quy trình nghiệp vụ của mình, các doanh nghiệp bảo hiểm đang mở rộng và cải thiện chất lượng các kênh phân phối nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Xét về tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực theo tháng giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2023, nhìn chung, các tháng ở mức “an toàn”, ngoại trừ tháng 2/2023 và tháng 5/2023.
Đặc biệt chất lượng thông tin trong tháng 5/2023 là rất đáng báo động khi tỷ lệ này lại đạt mức âm - ông Phùng Hoàng Cơ nhấn mạnh. Đây là các khoảng thời gian mà truyền thông ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng gặp không ít lùm xùm xoay quanh các hoạt động khách hàng tố giác đại lý tư vấn sai, tranh chấp giữa người mua và người bán bảo hiểm, gây ra tác động tiêu cực tới niềm tin dành cho ngành.
Kết quả phân tích truyền thông trong giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 5/2023 của Vietnam Report chỉ ra rằng, những doanh nghiệp nổi bật trên truyền thông về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là FWD, Prudential, Manulife, Sunlife, Generali, Dai-Ichi, AIA.
Trong đó, Manulife là doanh nghiệp có sự gia tăng phần trăm xuất hiện trên truyền thông nhiều nhất (+9,4% so với năm trước) với chủ đề nổi bật liên quan tới câu chuyện khiếu nại hợp đồng khách hàng.
Về lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp nổi bật trên truyền thông bao gồm PVI, PTI, MIC, BIC, Bảo Việt, AAA, Bảo Minh. Đáng chú ý mức độ xuất hiện của PVI trong năm nay có sự gia tăng đáng kể (+9,9% so với năm trước) trong khi đó PTI co hẹp lại chỉ còn 13,6% (-10,2% so với năm trước).
Nhìn chung, trong số các doanh nghiệp phi nhân thọ nổi bật trên truyền thông, ngoại trừ PTI, MIC và Bảo Minh, thì các doanh nghiệp còn lại đều có sự cải thiện trong kết quả năm 2023.