Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc

Đầu tư - Ngày đăng : 18:15, 24/06/2023

(BKTO) - Đây là một trong những chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, vừa được Quốc hội thông qua chiều 24/6.
chat-van.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về  hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Ảnh: VPQH

Tại Nghị quyết, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước.

Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên khác của Chính phủ báo cáo tại phiên chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và các quy định của pháp luật.

Trong đó, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khu đổ thải, bảo đảm đủ nguồn vật liệu trong quá trình thực hiện các dự án; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng giao thông; đánh giá tổng thể và nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ (2 làn xe hoặc 4 làn xe, không có làn dừng xe khẩn cấp) thành đường ô tô cao tốc phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế theo quy định, bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải.

Quốc hội cũng yêu cầu ngành giao thông vận tải khẩn trương xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

“Trong năm 2023, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT. Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam” - Nghị quyết nêu rõ.

Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, áp dụng đa dạng, kết hợp linh hoạt các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực của ngành; bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hiệu quả trong việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Cùng với hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, Quốc hội yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy, hàng hải, đường sắt, hàng không; đẩy mạnh phát triển ngành logistics để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics trong GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về đăng kiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong năm 2023, thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm; đẩy mạnh xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ đăng kiểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm, bảo đảm đồng bộ, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có sai phạm trong hoạt động đăng kiểm; khẩn trương khắc phục khó khăn, vướng mắc, đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ngành giao thông vận tải cũng cần khẩn trương hoàn thiện quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; nghiên cứu giải pháp quản lý sau đào tạo đối với lái xe kinh doanh vận tải; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực hành vi, sức khỏe…

Đ. KHOA