Bảo đảm chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số

Xã hội - Ngày đăng : 08:20, 26/06/2023

(BKTO) - Góp ý vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, việc sửa đổi Luật lần này cần góp phần hỗ trợ đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn, bảo đảm đồng bào có đất ở, đất sản xuất theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
anh-thang.jpg
Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cần chính sách tổng thể, bao trùm

Khẳng định đất ở, đất sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần góp phần hỗ trợ đất đai cho đồng bào DTTS có điều kiện khó khăn, bảo đảm đồng bào, nhất là các hộ khó khăn có đất ở, đất sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Đại biểu chỉ rõ, Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, song Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới tập trung giải quyết cho đồng bào DTTS địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy là hẹp hơn so với Nghị quyết 18-NQ/TW.

Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Ngô Trung Thành lưu ý, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu rõ, cần có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng ngay sau khi được giao đất. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, do trình độ dân trí của đồng bào không đồng đều, một bộ phận có trình độ hạn chế, hoặc do có khó khăn, nên dễ bị lợi dụng để thâu tóm đất đai, dẫn đến bà con không có đất ở, đất sản xuất.

“Dự thảo Luật lần này quy định, sau 10 năm, trừ trường hợp có xác nhận sẽ được chuyển nhượng đất được phân giao cho cá nhân, hộ gia đình. Tức là nếu chưa đến 10 năm nhưng có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc đã chuyển khỏi địa bàn cư trú sẽ được chuyển nhượng đất là quá lỏng so với quy định hiện hành, không đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW" - đại biểu chỉ rõ.

Đại biểu Ngô Trung Thành cũng cho rằng, đất đai là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng cần quyết của chính sách dân tộc. Vì vậy, việc Dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai cho đồng bào DTTS là chưa hoàn toàn phù hợp Hiến pháp. Vấn đề này phải thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội. Hơn nữa, nếu giao Thủ tướng Chính phủ quy định thì các chính sách không thể vượt khỏi "trần" các quy định trong các văn bản hiện hành khác, dẫn đến chính sách "không mới và không hiệu quả”.

Với những phân tích trên, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị, chính sách đất đai phải được áp dụng với tất cả đồng bào DTTS thiếu đất canh tác hoặc đất ở, như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW, không chỉ giải quyết cho đồng bào thuộc địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

“Chính sách đất đai với đồng bào DTTS phải là chính sách tổng thể, trong đó quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho đồng bào; nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào với Nhà nước, đối với đất đai được giao; đồng thời cần có quy định để đất đai giao cho đồng bào theo chính sách hỗ trợ không bị và không thể bị thâu tóm, đúng như yêu cầu của Nghị quyết 18 - NQ/TW” - đại biểu nhấn mạnh.

Cùng quan tâm đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, quy định về chính sách đất đai của Nhà nước tại Điều 17 cần bao trùm hơn với vùng đồng bào DTTS, miền núi và Tây Nguyên đang sản xuất nông nghiệp mà thực sự không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất lần đầu đối với đất ở, đất sản xuất.

Trường hợp vẫn giữ 2 khoản như điều này, đại biểu đề nghị, cần bổ sung vào khoản 1 nội dung Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất, sau đó đến khoản 2, khoản 3 là cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tạo thêm quỹ đất giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất

Cùng với các quy định rõ về bảo đảm có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và miền núi, đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) cho rằng, để thể chế hóa nội dung có chính sách phù hợp ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, chính sách tài chính về đất đai phù hợp với đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cần sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 17 liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS theo hướng mở rộng đối tượng đồng bào ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

dat_rung.jpg
Cần tạo thêm quỹ đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh sưu tầm

 Đến năm 2019, cả nước có khoảng 52.450 hộ DTTS thiếu đất ở và nhà ở, 210.400 hộ thiếu đất sản xuất và có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất; có 462.000 hộ thiếu đất sản xuất và có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề. Nếu so sánh với năm 2012, số hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất là 724.850 hộ, tăng hơn 500.000 hộ và gấp 3,2 lần so với năm 2012.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi

Đồng thời, cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có của các địa phương và sử dụng đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất. Trong đó, tập trung vào quỹ đất nông nghiệp do xã, cộng đồng dân cư quản lý, đặc biệt là với diện tích do các nông, lâm trường quản lý đã bàn giao về các địa phương quản lý. Vì nếu Nhà nước không nâng mức hỗ trợ phù hợp sẽ rất khó thực hiện.

Bên cạnh đồng bào DTTS ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn được áp dụng chính sách đất đai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị, cần mở rộng quy định áp dụng chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS ở địa bàn biên giới, biển đảo, để tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, giữ an ninh, trật tự ở biên giới cùng với các lực lượng khác. Đồng thời, mở rộng đối với đồng bào DTTS là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn để bảo đảm quyền lợi của người dân có đất canh tác trên mảnh đất của mình, bảo đảm "người cày có ruộng".

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, bên cạnh diện tích đất nông, lâm trường sử dụng chưa hiệu quả, tại các địa phương còn có đất của các tổ chức, doanh nghiệp được giao rừng sản xuất gắn với nơi đồng bào sinh sống nhưng không tiến hành sản xuất. Vì vậy, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cố gắng đưa thêm các cá nhân, đơn vị sử dụng đất được giao không hiệu quả thuộc diện bị thu hồi để tập trung đất cho đồng bào DTTS.

Đối với đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng của quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS (Điều 17), Bộ trưởng cho biết, do điều kiện về quỹ đất nên trước hết sẽ ưu tiên cho đồng bào DTTS ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn./.

Đ. KHOA