Từ tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đến chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa: Phát triển văn hóa trong thời kỳ mới

Chính trị - Ngày đăng : 20:10, 05/01/2023

LỜI TÒA SOẠN (BKTO) - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" để khẳng định rõ vai trò to lớn, xuyên suốt của văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
141769tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-va-dai-dien-cac-nha-khoa-hoc-nha-van-hoa-tri-thuc-van-nghe-si-tieu-bieu-copy-copy.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với giới trí thức và văn nghệ sĩ tiêu biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 tại Hà Nội. Ảnh: Báo Văn hóa

75 năm sau, Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức năm 2021 - “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng” đã ghi dấu mốc quan trọng trong phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tâm huyết, trong đó, đồng chí nhiều lần khẳng định vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa còn dân tộc còn”, đồng thời yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển văn hóa xứng tầm với vai trò.

Nhằm đánh giá đúng thực trạng, từ đó tìm giải pháp hữu hiệu để phát triển văn hóa, cũng như tiếp tục khẳng định rõ vai trò quan trọng của văn hóa trong mối quan hệ chính trị - kinh tế - văn hóa thời kỳ mới, cũng như nhân lên “sức mạnh mềm” văn hóa để phát triển đất nước bền vững, hội nhập, Báo Kiểm toán triển khai loạt bài “Từ tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đến chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa: Phát triển văn hóa trong thời kỳ mới” với nhiều góc nhìn đa dạng, gửi tới bạn đọc.

Bài 1: Quan điểm, đường lối xuyên suốt, nhất quán của Đảng về phát triển văn hóa 

Trong tiến trình cách mạng hơn 90 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng phát triển văn hóa và thường xuyên chỉ đạo xây dựng nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp để khai thác, phát huy sức mạnh của văn hóa qua từng giai đoạn lịch sử, từ đó mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”; đồng thời, đặt ra yêu cầu phải đổi mới thể chế văn hóa; trong đó, phải đảm bảo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, phát huy sức sáng tạo của những người làm văn hóa. 

Nhận thức của Đảng về văn hoá trong thời kỳ đổi mới ngày càng hoàn thiện

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa, mỗi quốc gia đều có những cách phù hợp để phát triển văn hóa của mình. Ở Việt Nam, kể từ sau Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Nghị quyết xác định đường lối phát triển văn hóa ở Việt Nam, đó là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

bai-vh.jpg
Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ảnh tư liệu

Tiếp theo tinh thần đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là một bước đi nữa nhấn mạnh đến sức mạnh của văn hóa. Từ Đại hội XII đến Đại hội XIII của Đảng đều khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định “Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa”. 

   Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hoá từ Trung ương đến cơ sở. Cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về Văn hoá và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Đặc biệt, xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động…

Khẳng định vấn đề thể chế văn hóa có tác động xuyên suốt đề quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, việc xây dựng thể chế, chính sách cho văn hóa thời gian qua đã tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng của văn hóa của các dân tộc, vùng miền, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đẩy mạnh và tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội và các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động.

Do đó, khi trao đổi với Báo Kiểm toán, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, một trong những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với văn hóa Việt Nam là cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện thể chế văn hóa cho phù hợp với những điều kiện mới, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Hoàn thiện thể chế, kiên định tư tưởng coi văn hóa vừa là mục tiêu, động lực phát triển

Trong tình hình mới, với những thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, văn hóa và xu thế hội nhập đòi hỏi việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa cũng cần có sự đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, đổi mới thể chế về văn hóa là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và có tác động sâu rộng đến quá trình xây dựng, phát triển văn hóa. 

Nhận thức rõ yêu cầu này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa”, trong đó đảm bảo quan điểm xuyên suốt của Đảng về vai trò của văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”, từ đó “tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa”.

quoc-the-su-ket-tinh-va-dinh-cao-phat-trien-cua-van-hoa-viet-nam.jpg
Việc xây dựng thể chế, chính sách văn hóa đã tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng của văn hóa các dân tộc, vùng miền. Ảnh sưu tầm

Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu về văn hóa và qua thực tiễn công tác giám sát tại địa phương, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn đề xuất, để hoàn thiện thể chế văn hóa nước ta hiện nay, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nội dung cơ bản sau:

Một là, đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung phát triển hệ thống thể chế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực.

Hai là, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho văn hóa về các mặt xét duyệt hành chính, sử dụng đất đai, mở rộng và quản lý thị trường, đầu tư lưu thông vốn, chính sách ưu đãi, nâng đỡ công nghiệp văn hóa phát triển, kiện toàn pháp chế văn hóa, tạo ra môi trường pháp luật tốt đẹp cho cải cách thể chế văn hóa.

Ba là, Nhà nước giao quyền cho các cấp quản lý văn hóa, giao quyền tự chủ cho các ngành cụ thể, phân công trách nhiệm cụ thể, có chế độ giám sát việc sử dụng tài sản văn hóa nhà nước và yêu cầu các đơn vị văn hóa phải chấp hành pháp luật, tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Từng bước xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khi sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa.

       Để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; kết luận chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa - 

“Những vấn đề nào mà cơ chế thị trường có khả năng giải quyết tốt thì Nhà nước không cần phải can dự. Chỉ những vấn đề thị trường không giải quyết được thì Nhà nước mới tham gia và sự tham gia này phải công khai, dân chủ, phải phù hợp với yêu cầu kinh tế thị trường” - đại biểu Sơn lưu ý.

Bốn là, đào tạo và phát triển hiệp hội ngành nghề văn hóa và tổ chức môi giới văn hóa có tính chuyên nghiệp cao. Đây là điều chúng ta đang rất thiếu và yếu, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế. Đây sẽ là “cầu nối” giữa Chính phủ với doanh nghiệp, hình thành cơ chế Chính phủ giám sát chỉ đạo, hiệp hội ngành nghề giám sát quản lý, tổ chức môi giới tự xây dựng quy chế hoạt động tự chủ... Đây là những vấn đề cần được chú ý đúng mức để tạo nên sự chuyển biến trong chức năng quản lý và định hướng văn hóa của Nhà nước trong thời đại ngày nay.

PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, trong thời gian gần đây, cách tiếp cận đến văn hóa ở nước ta với tư cách là một nguồn lực phát triển đã có những thay đổi quan trọng. Không dừng lại ở việc coi văn hóa là động lực tinh thần nói chung, là yếu tố “soi đường xã hội”, “dẫn lối” ứng xử cá nhân, văn hóa còn được coi là nguồn lực trực tiếp của phát triển kinh tế, còn hoạt động văn hóa, trong nhiều thành tố cụ thể, được xác định là ngành kinh tế, với tên gọi chung là “công nghiệp văn hóa”.

phat-huy-gia-tri-van-hoa-viet-nam-nham-tung-buoc-hien-thuc-hoa-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc.jpg
Hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở bám sát chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Tuyengiao.vn

Về định hướng đổi mới, ông Thiên cho rằng, trước hết, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa. Trong đó, cần nghiên cứu đổi mới tư duy quản lý của Nhà nước về xây dựng, ban hành chính sách văn hóa, khắc phục tư duy bao cấp, phương thức quản lý thiên về mệnh lệnh hành chính, áp đặt. Nhà nước chú trọng quản lý ở tầm vĩ mô và trung mô, quản lý bằng pháp luật trên cơ sở các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. 

Có thể khẳng định, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta là vấn đề cơ bản và cấp bách cần được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm giải quyết hiện nay.

Mục tiêu hướng đến là: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như Đảng ta xác định, hay như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng" khi đồng chí nhấn mạnh ý nghĩa của việc phải sửa đổi thể chế, tăng cường nguồn lực cho phát triển văn hóa vì “Văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”!



N.LỘC