Hà Nội duy trì đà tăng trưởng kinh tế
Địa phương - Ngày đăng : 08:11, 29/06/2023
Theo Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, kinh tế trong nước chịu tác động rõ rệt từ các yếu tố bất lợi, khó khăn trên bình diện quốc tế, nhất là thị trường xuất khẩu sụt giảm, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, có xu hướng tăng chậm lại.
Trước tình hình đó, UBND Thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương và thành phố, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phục hồi, an sinh xã hội được bảo đảm.
GRDP 6 tháng tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước
6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại, mức tăng trưởng trên với xu hướng duy trì đà tăng trưởng qua các quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,9%; quý II tăng 7,19%), đóng góp 4,98 điểm % vào mức tăng GRDP.
Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 2,38%; quý II tăng 4,04%), đóng góp 0,65 điểm % vào mức tăng GRDP.
Ngành công nghiệp những tháng đầu năm gặp khó khăn do nhiều ngành sản phẩm chủ lực sụt giảm, qua 6 tháng, giá trị tăng thêm đạt 2,82%, đóng góp 0,36 điểm %. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm ước tăng 4,14%, đóng góp 0,29 điểm % vào mức tăng chung.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt 194,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước 64,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5%; vốn ngoài nhà nước 115,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 14 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%.
Trong tháng 6, thành phố thu hút 399,7 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, nâng tổng vốn thu hút trong 6 tháng lên 2,265 tỷ USD, cao hàng đầu cả nước.
Tháng 6, Hà Nội có 2.441 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 22,2 nghìn tỷ đồng, giảm 20%; thực hiện thủ tục giải thể cho 274 doanh nghiệp, giảm 13%; 1.083 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 39%; 572 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 1%.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm, Hà Nội có 15,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 151,1 nghìn tỷ đồng, giảm 16%. Cơ quan chức năng đã thực hiện thủ tục giải thể cho gần 1,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 5%; hơn 15,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 36%. Ngược lại, có 5,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 14% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.
Trong quý II, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 185,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với quý trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, khu vực dịch vụ thương mại tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố.
Lượng khách du lịch đến Hà Nội trong quý II đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 12,4% so với quý trước và gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tính chung 6 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Những tháng đầu năm, hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn và truyền thống của Hà Nội đều giảm sút. Sang quý II, tình hình được cải thiện hơn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý trước nhưng vẫn giảm 17,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 25,5 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 tỷ USD, giảm 2,7%; nhập khẩu đạt 17,4 tỷ USD, giảm 16,3%.
Tích cực triểu khai nhiều dự án trọng điểm
Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố đang tiến triển khá tốt. Theo đó, Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt tiến độ tổng thể khoảng 76,5%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99%. Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2): Khởi công tháng 1-2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Dự án đang được tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn dự án vào ngày 02/9/2023.
Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội đã giải ngân đạt 61,4% kế hoạch vốn, dự kiến thời gian hoàn thành toàn vào năm 2024. Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch đang bước vào giai đoạn cuối cùng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6 này.
Đặc biệt, vừa qua, Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh); Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức./.