Xu hướng dần phục hồi của doanh nghiệp chế biến, chế tạo
Kinh tế - Ngày đăng : 08:40, 30/06/2023
Đơn hàng mới gia tăng, kinh doanh khả quan hơn
Trong khi chỉ số tương ứng của quý I chỉ có 60,3% DN nhận định đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên và 39,7% nhận định giảm. Và kết quả khảo sát quý II có 63,8% DN nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý I/2023; 36,2% DN nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Cùng với đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết thêm, theo đánh giá của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2023 cũng khởi sắc hơn quý I/2023.
Có 64,2% DN đánh giá hoạt động tốt hơn và giữ ổn định; 35,8% DN đánh giá khó khăn hơn, trong khi chỉ số tương ứng của quý I có 61,5% DN đánh giá tình hình tốt lên và giữ ổn định; 38,5% DN đánh giá khó khăn hơn.
Tiếp đó, dự báo của DN về hoạt động sản xuất kinh doanh quý III cũng khả quan hơn với 72,6% DN đánh giá tốt hơn và giữ ổn định; chỉ 27,4% DN đánh giá khó khăn hơn.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất thuốc lá có tỷ lệ DN nhận định về đơn đặt hàng mới quý II/2023 so với quý I/2023 tăng cao nhất với 43,8%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ DN nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 45,3%.
Xét riêng về đơn đặt hàng xuất khẩu mới, Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình cũng có chuyển biến nhẹ, khi trong số các DN được khảo sát, có 61,7% DN cho biết số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2023 tăng và giữ nguyên so với quý I, tỷ lệ DN nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 38,3%.
Còn xét theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ DN nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II tăng cao nhất với 32,3%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ DN nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 54,8%.
Đáng chú ý, 72,9% DN được khảo sát dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III khả quan hơn; chỉ có 27,1% DN dự báo đơn đặt hàng xuất khẩu giảm.
Chia sẻ về tình hình sử dụng lao động, trong các DN chế biến, chế tạo được khảo sát, quý II có 10,8% DN sử dụng lao động tăng so với quý trước; 65,1% DN nhận định giữ nguyên và 24,1% DN nhận định giảm.
Cần trợ lực cho hoạt động của doanh nghiệp
Trong số các ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ DN sử dụng lao động quý II tăng cao nhất với 28,6%. Ngược lại, DN ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ sử dụng lao động giảm nhiều nhất với 40,2%.
Dự báo về quý III, có 83,4% DN dự kiến tăng sử dụng và giữ nguyên số lao động, chỉ 16,6% DN dự kiến giảm sử dụng lao động.
Liên quan đến chi phí sản xuất của các DN chế biến, chế tạo, kết quả khảo sát cho thấy, quý II có 91% DN nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên, trong khi 9% DN nhận định giảm so với quý I.
Dự báo quý III, có 90,8% DN cho rằng chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên, trong khi 9,2% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.
Một trong những chỉ số đáng lưu ý nữa là công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các DN ngành chế biến, chế tạo là 72% trong quý II, gần tương tự như quý I.
Trong đó, đó 39,2% DN đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 26,7% DN đánh giá công suất sử dụng từ 90% đến 100%; 21,8% DN đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến dưới 70% và 12,3% DN đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.
Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, có 65,1% DN chia sẻ khối lượng sản xuất trong 3 tháng qua tăng và giữ nguyên so với quý I, trong khi chỉ số tương ứng của quý I là 60,6%.
Đồng thời, khối lượng sản xuất trong 3 tháng tới được dự báo khả quan hơn nữa với 74,1% DN dự báo tăng và giữ nguyên, chỉ còn 25,9% DN dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Thế nhưng tín hiệu đáng quan tâm là chỉ có 16,1% DN cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý II tăng, trong khi 69,1% cho biết giá bán vẫn giữ nguyên. Tương tự, dự báo về quý III, chỉ 17,4% nhận định giá tăng, còn 71% nhận định giá giữ nguyên.
Bình luận về những kết quả trên, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy vẫn gặp khó khăn nhưng đã có dấu hiệu phục hồi.
Trong quý II, có 2 yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Thêm vào đó, việc cắt điện luân phiên tại một số địa phương phía bắc đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN, thể hiện qua yếu tố “thiếu năng lượng” trở thành lựa chọn của 8,5% DN, tăng 7,1% so với quý trước.
Đây chính là yếu tố biến động nhiều nhất trong số các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Yếu tố nữa không thể bỏ qua khi trong quý II/2023 - quý đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây - có tới gần 40% DN chỉ sử dụng công suất máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90%.
Bà Hương cho rằng, cần phải có giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các tháng tiếp theo.
Từ chính phía các DN cũng kiến nghị với các cơ quan hữu quan, cần đảm bảo ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, không bị gián đoạn.
Cùng với đó là những chính sách kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Đặc biệt, các DN gặp khó khăn về tài chính mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để có nguồn vốn phục vụ kịp thời và hiệu quả hơn cho sản xuất kinh doanh.