Phòng, chống tham nhũng chính trị
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:12, 30/06/2023
Sáng 12/6, phát biểu khai mạc phiên họp giữa 2 đợt Kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Cần đảm bảo tinh thần công khai, minh bạch, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuyệt đối tránh cài cắm lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật”.
Thứ tham nhũng mà Chủ tịch Quốc hội kêu gọi phải quyết liệt phòng chống chính là tham nhũng chính trị. Tham nhũng chính trị là một hình thức tham nhũng và là một vấn nạn hết sức nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở ta, thuật ngữ tham nhũng chính sách được nói tới nhiều hơn là tham nhũng chính trị. Tuy nhiên, tham nhũng chính sách thực ra chỉ là một biểu hiện của tham nhũng chính trị. Và các nhà lãnh đạo của nước ta cũng đang nói tới ngày càng nhiều hơn đến tham nhũng chính trị. Cách đây mấy năm, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/11/2020, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tham nhũng chính trị là “nguy hiểm vô cùng”.
Như đã nói ở trên, tham nhũng chính trị là một hình thức tham nhũng. Đây cũng là tội lạm dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, đây là hình thức tham nhũng ở cấp bậc cao hơn và nguy hiểm hơn.
Tham nhũng có thể được chia thành hai loại: Tham nhũng hành chính và tham nhũng chính trị. Tham nhũng hành chính do các quan chức hành chính thực hiện; tham nhũng chính trị do các quan chức chính trị thực hiện.
Tham nhũng hành chính là tệ lạm dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân một cách bất hợp pháp trong việc thực thi chính sách, pháp luật...
Một doanh nghiệp muốn được cấp phép phải đưa hối lộ. Một gia đình muốn sửa nhà phải gửi phong bì. Tham nhũng hành chính gây ra khó khăn, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hình thức tham nhũng này cho dù có xảy ra thường xuyên, thì nó vẫn chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến từng doanh nghiệp, từng người dân cụ thể.
Tham nhũng chính trị là tệ lạm dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân một cách bất hợp pháp trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Một chính sách méo mó được ban hành có thể mang đến những lợi ích vô cùng to lớn cho các quan chức chính trị hoặc phe nhóm của họ trong không chỉ một năm, hai năm, mà có khi trong cả hàng chục năm.
Số lượng người dân, doanh nghiệp phải hứng chịu tác động tiêu cực của một chính sách như vậy là vô cùng lớn. Đây là lý do tại sao ở ta thuật ngữ tham nhũng chính sách đã được nhắc tới thường xuyên hơn.
Tham nhũng chính trị để lại hậu quả không chỉ to lớn hơn, mà còn lâu dài hơn. Một chính sách đã được thông qua, một đạo luật đã được ban hành, thì không chỉ có thể làm thay đổi hẳn môi trường kinh doanh, mà còn khó có thể sửa đổi được trong nhiều năm trời. Đơn giản là vì quy trình, thủ tục để sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật là vô cùng phức tạp.
Tham nhũng chính trị làm cho các nguồn lực của đất nước bị phân bổ méo mó, thiên vị và kém hiệu quả. Hệ lụy tất yếu là kinh tế kém phát triển, công bằng xã hội khó được bảo đảm. Ngoài ra, tham nhũng chính trị còn làm xói mòn tính chính danh của chế độ. Các nước để tham nhũng chính trị xảy ra tràn lan thường hết sức bất ổn. Biểu tình, bạo động và đảo chính là những hệ lụy rất khó tránh khỏi.
Khác với tham nhũng hành chính, tham nhũng chính trị khó vạch mặt, chỉ tên hơn. Chính sách, pháp luật cho dù mang lại lợi ích cho cá nhân là chính, thì vẫn có thể được ngụy trang bằng những mục đích hết sức cao đẹp. Ngoài ra, cho dù lợi ích có được từ tham nhũng chính trị là vô cùng to lớn, thì mối quan hệ trực tiếp nhiều khi rất khó chỉ ra. Để dễ cảm nhận, một con đường được quy hoạch có thể mang đến lợi ích rất to lớn cho chủ đất. Thế nhưng người chủ đất này không nhận lợi ích trực tiếp từ tiền quy hoạch, mà từ giá đất của người chủ đất đó được tăng lên.
Với những lập luận nêu trên, đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính trị vì vậy là rất quan trọng. Đây cũng chính là điều được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh trong Kỳ họp thứ 5 vừa qua của Quốc hội. Các giải pháp không thể thiếu để phòng, chống tham nhũng chính trị chính là tăng cường giám sát quyền lực chính trị, nâng cao trách nhiệm giải trình và kiểm soát chặt chẽ thu nhập của các quan chức chính trị./.