Phải tự giác phát hiện và sửa chữa

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 14:19, 30/06/2023

(BKTO) - Trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh đến việc cán bộ, đảng viên phải tự giác phát hiện, chỉ rõ những khuyết điểm và sửa chữa khắc phục.
2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, tháng 11/1959. Ảnh sưu tầm

Hồ Chí Minh từng nhắc nhở toàn Đảng: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”. Vì theo Người: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng cán bộ, đảng viên ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, quan trọng nhất là mỗi người phải thật sự tự giác thực hiện tự phê bình và phê bình, không bảo thủ, che giấu mà cần thẳng thắn chỉ ra và sửa chữa khuyết điểm. Tháng 11/1959, tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Người phát biểu: “Có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải ngay thẳng, thật thà; không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm; không được chủ quan, kiêu ngạo mà phải thực sự cầu thị. Trong mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra rằng: Cán bộ, đảng viên không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình trước nhân dân, e sợ nhân dân phê bình và không có can đảm, bản lĩnh sửa chữa khuyết điểm thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên. Do vậy mà Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ và nếu có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình trước nhân dân, đồng thời nghiêm túc hoan nghênh sự phê bình của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá rất cao ý nghĩa sâu sắc sự tự giác của cán bộ, đảng viên. Như trong kỷ luật Đảng, Người cho rằng kỷ luật tự giác chính là kỷ luật sắt. Để cán bộ, đảng viên có được sự tự giác phát hiện và sửa chữa khuyết điểm, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi người phải tự mình chủ động rèn luyện, phấn đấu, đồng thời tổ chức và nhân dân phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả. Ngày 20/02/1947, Người nói: “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở”. Người chỉ rõ sự giúp đỡ phải chân thành, hiệu quả, tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên tự nguyện, tự giác sửa chữa, khắc phục được khuyết điểm: “Đối với cán bộ sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa?... Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”.

Những lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Đảng đã kịp thời có những chủ trương, biện pháp phù hợp để làm tốt phê bình và tự phê bình, hoan nghênh, động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên tự giác phát hiện, xử lý, sửa chữa sai phạm khuyết điểm. Như Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 có quy định rất nhân văn trong xem xét, xử lý kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm mà chủ động báo cáo, tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng, tự giác nộp tài sản tham nhũng… thì sẽ được xem xét, xử lý với hình thức hợp tình, hợp lý. Nhưng đồng thời, với cán bộ, đảng viên chây ỳ, vi phạm pháp luật mà thiếu tự giác, cố tình che giấu sai phạm thì cũng phải kiên quyết xử lý, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng”.

Trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng những năm qua, bên cạnh những ưu điểm lớn trong tự giác phát hiện và sửa chữa khuyết điểm, Đảng ta cũng chỉ rõ còn có biểu hiệu che giấu, tính tự giác chưa cao, công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn chưa chuyển biến, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Từ đó, Đảng tiếp tục khẳng định việc tự giác thực hiện tự phê bình và phê bình luôn có ý nghĩa quyết định, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định phải tiếp tục nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên của Đảng.

Nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tinh thần tự giác phát hiện, sửa chữa khuyết điểm trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII của Đảng yêu cầu toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực và “Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn”.

Muốn vậy, mọi tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên hãy hăng hái rèn luyện, phấn đấu thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng: “Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước (ngay sau Hội nghị này, không phải chờ đợi gì cả); căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”, coi như vô can”./.

CÔNG MINH