Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2008-2020 (giai đoạn 2015-2016): Kết quả đạt thấp, còn bất cập, lãng phí trong sử dụng kinh phí và mua sắm tài sản
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:00, 19/07/2018
(BKTO) - Sau 8 năm thực hiện kể từ khi được phê duyệt, những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt là Đề án NNQG 2020) còn khoảng cách xa so với mục tiêu đề ra cả về số lượng người học, chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học, các Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho Đề án lớn nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng, còn lãng phí trong đầu tư mua sắm giáo trình, trang thiết bị; lãng phí trong chi tiêu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…
Đó là đánh giá của KTNN trong thông báo kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng NSNN thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2016 gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuộc kiểm toán được thực hiện từ ngày 06/7/2017 đến ngày 03/9/2017.
Nguồn kinh phí đầu tư cho Đề án NNQG 2020 lớn nhưng kết quả chưa tương xứng
Các mục tiêu đều không đạt hoặc không thực hiện đượcĐề án NNQG 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là cơ quan chủ trì thực hiện. Theo đánh giá của KTNN, Bộ đã tích cực triển khai thực hiện, thành lập Ban Quản lý đề án (QLĐA) để giúp việc quản lý, điều hành thực hiện Đề án.
Kết quả kiểm toán việc thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2016 cho thấy, tính đến năm 2016, Đề án đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán đối với 4 mục tiêu của Đề án theo từng giai đoạn cho thấy đều đạt thấp cả về số lượng, chất lượng và ở tất cả các bậc học, cụ thể:
Đối với mục tiêu “Triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông... đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016”, tính đến năm học 2015-2016 chỉ đạt được 44,3%.
Về mục tiêu “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 60% vào năm 2015-2016”, số liệu tổng hợp của 3 Bộ và 11 địa phương cho thấy đạt tỷ lệ rất thấp, bằng 1%. Như vậy, mục tiêu này gần như không thực hiện được.
Đối với mục tiêu “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học và đạt 60% vào năm học 2015-2016”, theo báo cáo tổng kết của Ban QLĐA, đạt 20% tổng số sinh viên được học ngoại ngữ vào năm học 2015-2016, rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Đánh giá về mục tiêu thứ 4 của Đề án, kết quả kiểm toán chỉ rõ: Mục tiêu “Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục thường xuyên với nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với các cấp học, trình độ đào tạo, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học”, từ năm 2009 đến thời điểm kiểm toán (tháng 7/2017), Bộ GD&ĐT chưa xây dựng, ban hành, bổ sung, sửa đổi quy định về việc đổi mới dạy và học trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, Bộ, ngành, địa phương cũng không triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu này. Nội dung thứ 2 của mục tiêu là “Phấn đấu có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên vào năm 2015” hầu như cũng không thực hiện được.
Nhiều hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện
Theo KTNN, việc tổ chức triển khai Đề án chậm, không đồng bộ, không hoàn thành theo kế hoạch đề ra, là nguyên nhân làm cho mục tiêu của Đề án không thể thực hiện được cả về mức độ và tiến độ.
Kết quả kiểm toán cho thấy, hằng năm Bộ GD&ĐT phân bổ, giao dự toán còn chậm; bổ sung, điều chỉnh dự toán nhiều lần. Kinh phí được giao so với dự toán thấp nhưng hằng năm giải ngân đạt thấp. Dự toán NSNN giao năm 2016 vào cuối năm nên phải chuyển toàn bộ sang năm 2017 thực hiện; không giải ngân kịp từ năm 2013-2015 dẫn tới phải hủy dự toán gần 54,1 tỷ đồng, chiếm 8,6% dự toán NSNN giao cho Bộ GD&ĐT. Tổng kinh phí Bộ GD&ĐT đề nghị quyết toán trong giai đoạn 2015-2016 là gần 122 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, đã chi hỗ trợ tiền nghỉ, phụ cấp lưu trú, chi phí đi lại cho học viên không đúng quy định số tiền hơn 4,7 tỷ đồng; còn có đơn vị chi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động chung không đúng mục đích với dự toán và nhiệm vụ được giao. Tại Ban QLĐA, nhiều nhiệm vụ được giao dự toán nhưng không được thực hiện với số tiền 2,5 tỷ đồng; nhiều nhiệm vụ chi chưa hết dự toán (2,9 tỷ đồng) trong khi nhiều nhiệm vụ không được giao dự toán, Ban QLĐA tự điều chỉnh dự toán thực hiện và trình trực tiếp lãnh đạo Bộ phê duyệt, không thông qua Vụ Kế hoạch - Tài chính để kiểm tra, giám sát. Nhiều nhiệm vụ được giao nhưng Ban QLĐA không thực hiện mà ký hợp đồng và chuyển tiền cho các đơn vị khác thuộc Bộ thực hiện không đúng quy định. |
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Đó là sự chậm trễ, thiếu chuyên nghiệp trong quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Bộ GD&ĐT. Việc ban hành khung năng lực ngoại ngữ và định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh quá chậm; xây dựng chương trình, sách giáo khoa, giáo trình ở các cấp học và trình độ đào tạo, triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh 10 năm ở các cấp chưa dựa trên khung năng lực ngoại ngữ được ban hành; hạn chế về tính liên thông tiếng Anh giữa các cấp học; cách thức đánh giá chưa đảm bảo cả 4 kỹ năng.
Cùng với đó, công tác rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ chưa đồng bộ, kịp thời nên chưa có cơ sở để thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (năm 2017 mới triển khai nhiệm vụ này), dẫn tới số lượng, chất lượng giáo viên tiếng Anh không đảm bảo; lúng túng trong định hướng phương pháp dạy và học ngoại ngữ... Bên cạnh đó là những bất cập trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học ngoại ngữ khi chưa có đánh giá tổng thể; cơ chế tài chính thực hiện Đề án ban hành chậm, thiếu nội dung và định mức chi; phân bổ kinh phí chậm, dàn trải, mang tính bình quân; bố trí kinh phí cho Đề án tại một số địa phương chưa hợp lý...
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên, KTNN cho rằng, việc xây dựng Đề án đặt ra mục tiêu nóng vội, thiếu cơ sở khoa học, thiếu lộ trình thích hợp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; nhiệm vụ, giải pháp đề ra thiếu cụ thể, phù hợp. Cùng với đó là sự hoạt động kém hiệu quả của Ban QLĐA; cơ chế tài chính thiếu rõ ràng, hạn chế trong phân bổ kinh phí; công tác kiểm tra, đánh giá chưa được coi trọng... cũng là những hạn chế và là nguyên nhân cơ bản dẫn đến không thực hiện được các mục tiêu của Đề án đến 2016.
Mua sắm trang thiết bị, giáo trình dư thừa, tồn kho lớn
Theo đánh giá của KTNN, trong công tác mua sắm, quản lý, sử dụng phần mềm, giáo trình của Đề án, việc mua sắm chưa căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị; sản phẩm bàn giao chưa phù hợp với hồ sơ yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật về hàng hoá.
Cụ thể, năm 2014, thực hiện Gói thầu “Phần mềm đi kèm giáo trình dạy và học tiếng Anh cho đối tượng sau Trung học phổ thông”, giá trị 7,1 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn), sử dụng phát cho sinh viên 28 cơ sở đào tạo của Bộ là không đúng quy định. Việc sử dụng phần mềm cũng còn hạn chế, một số trường mức độ sử dụng thấp, số lượng lớn vẫn lưu tại thư viện hoặc khoa. Bộ GD&ĐT hướng dẫn tài liệu phát cho sinh viên mượn, tuy nhiên số giáo trình này chỉ sử dụng được 1 lần sau khi đã cào mã code làm bài tập online, không sử dụng tiếp cho sinh viên các khóa sau.
Tương tự, Gói thầu “Mua sắm phần mềm đi kèm giáo trình dạy và học tiếng Anh cho đối tượng giáo viên phổ thông, giảng viên đại học, cao đẳng thuộc các đơn vị tham gia Đề án NNQG 2020” trị giá 9,8 tỷ đồng (năm 2015) xác định đối tượng sử dụng chưa hợp lý nhưng không điều chỉnh lại số lượng phù hợp nên số lượng phần mềm và giáo trình đã mua chưa phù hợp với kế hoạch đào tạo. Bên cạnh đó, giai đoạn 2015-2017, nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên là 4.220 chỉ tiêu, trong khi số lượng phần mềm và giáo trình đã mua 43.200 bộ, gấp 10,2 lần chỉ tiêu giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng.
Cũng theo kết quả kiểm toán, mức độ sử dụng phần mềm và giáo trình Life của Đề án đến thời điểm kiểm toán (tháng 7/2017) rất thấp. Một số đơn vị không sử dụng do không được giao hoặc giao ít chỉ tiêu đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên các cấp. Có 2/9 trường hợp nhận bộ tư liệu từ Đề án nhưng không có nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên. Đã tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát tài liệu thí điểm lớp 9, tài liệu thí điểm lớp 12 (trị giá 5,3 tỷ đồng) trước khi có các quyết định chỉ định thầu và các hợp đồng hoàn thiện, in và phát hành sách.
Đối với việc mua sắm, quản lý và sử dụng thiết bị dạy và học ngoại ngữ, Ban QLĐA còn lượng sách lớn để tồn ở thư viện và thiết bị ngân hàng câu hỏi thi (trị giá 2,9 tỷ đồng) tồn từ thời điểm 2013 đến năm 2016 chưa khai thác, sử dụng. Tại các địa phương và Bộ, ngành cũng chưa có kế hoạch, quy hoạch về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư phục vụ hoạt động của Đề án; thiếu khảo sát, đánh giá về điều kiện cơ sở vật chất và năng lực giáo viên sử dụng trước khi thực hiện mua sắm nên hiệu quả sử dụng chưa cao (tỉnh Bình Định, Lạng Sơn, Đồng Tháp). Số lượng phòng máy chuyên dụng cho việc dạy và học ngoại ngữ còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; một số trường chưa có phòng riêng cho dạy và học ngoại ngữ, trình độ năng lực sử dụng còn hạn chế nên việc khai thác chỉ ở mức độ đơn giản, có nơi còn chưa kịp thời đưa vào sử dụng (Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Lạng Sơn); một số trường được giao trang thiết bị phòng đa năng học tiếng Anh dù chưa triển khai dạy tiếng Anh 10 năm theo Đề án.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; khắc phục những bất cập nêu trên nhằm đảm bảo quản lý, sử dụng nguồn tài chính và tài sản của Đề án đúng mục đích, có hiệu quả cao; xây dựng và ban hành các văn bản quản lý nhà nước về quản lý chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy và học ngoại ngữ, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ; rà soát, xây dựng, ban hành văn bản quản lý nhà nước về đầu tư và sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ cho từng đối tượng, cấp học; chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban QLĐA, có biện pháp sử dụng các tài liệu đã mua, cấp phát cho các đơn vị tránh lãng phí; chấm dứt việc hướng dẫn, phê duyệt thực hiện các nhiệm vụ không đúng quy định, chi không đúng đối tượng.
Kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung điều chỉnh lại mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án theo lộ trình cụ thể phù hợp với từng mục tiêu, đặc thù từng vùng, miền, từng cấp học và trình độ đào tạo, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Sớm ban hành cơ chế, chính sách về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên, giảng viên dạy ngoại ngữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các điều kiện thiết yếu phục vụ dạy và học ngoại ngữ; đa dạng hóa các giải pháp nhằm hỗ trợ các đối tượng người học tiếp cận nguồn học liệu ngoại ngữ để có thể học mọi nơi, mọi lúc và đạt năng lực sử dụng ngoại ngữ phù hợp với mục tiêu khác nhau.
KTNN kiến nghị nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân của Bộ GD&ĐT và các cơ quan tham mưu trong việc triển khai thực hiện Đề án không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ do giai đoạn 2008-2010 không thực hiện, làm chậm tiến độ và không đạt mục tiêu được phê duyệt. Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân của Bộ và các cơ quan tham mưu, Ban QLĐA 2020 trong việc thực hiện “mua sắm phần mềm đi kèm giáo trình dạy và học tiếng Anh cho đối tượng giáo viên phổ thông, giảng viên đại học, cao đẳng thuộc các đơn vị tham gia Đề án NNQG 2020”, do không căn cứ vào nhu cầu thực tế và sau khi mua không giao nhiệm vụ đào tạo, dẫn đến các đơn vị thụ hưởng chưa triển khai thực hiện gây lãng phí NSNN; kiểm điểm trách nhiệm trong phê duyệt, thực hiện “mua sắm phần mềm đi kèm giáo trình dạy và học tiếng Anh cho đối tượng sau Trung học phổ thông” cấp cho sinh viên các cơ sở đào tạo thuộc Bộ không đúng quy định gây lãng phí NSNN. |
KIM AN