Kiểm toán báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:21, 01/07/2023
Theo Ths. Trần Trí Thành, cùng với quá trình công nghiệp hóa, môi trường cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường bị suy thoái như hiện nay cho là do công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) còn nhiều bất cập, từ quy định pháp lý đến quá trình thực thi.
Tại Việt Nam, báo cáo ĐTM đã được đưa vào trong Luật Bảo vệ Môi trường và coi đây là một trong những nội dung cần thực hiện trong quá trình xem xét phê duyệt dự án. ĐTM không chỉ là công cụ quản lý môi trường mà còn là một nội dung giúp quy hoạch dự án thân thiện với môi trường, là một phần của chu trình dự án.
Theo đó, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định khoảng 200 - 250 báo ĐTM; cấp tỉnh thẩm định 33 - 35 báo cáo ĐTM và các bộ ngành khác thẩm định từ 1 - 30 báo cáo ĐTM. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có số liệu cụ thể về các đơn vị tư vấn ĐTM và cũng chưa áp dụng hệ thống cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn ĐTM.
Thêm vào đó, sự phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ để thực hiện công việc đánh giá tác động môi trường. Nội dung tư vấn môi trường được đưa ra trong các báo cáo ĐTM đôi khi không thống nhất, thậm chí không phù hợp với dự án.
Đối với riêng lĩnh vực điện năng, hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam khoảng 48.000 MW, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 10%/ năm, đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện quốc gia sẽ là 90.000 MW và đến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 150.000 MW. Bởi vậy, để bảo đảm nguồn điện, các dự án đều sử dụng diện tích mặt đất, mặt nước, rừng tự nhiên và tài nguyên than, khi đốt rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường xung quanh của các khu vực đặt nhà máy.
Để kiểm soát được ảnh hưởng của các dự án điện, chất thái của các nhà máy nhiệt điện than, năng lượng mặt trời... đến môi trường, báo cáo ĐTM cần thực hiện nghiêm túc trước, trong và sau khi thực hiện các dự án. Đồng thời, KTNN cần tổ chức kiểm toán báo cáo ĐTM để cung cấp thông tin cho các cấp quản lý có giải pháp, quyết định phù hợp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Từ thực tế kiểm toán môi trường trong thời gian qua và kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao về kiểm toán môi trường, nhóm nghiên cứu đã đánh giá việc thực hiện kiểm toán môi trường của KTNN và đưa ra những giải pháp cơ bản để tổ chức kiểm toán báo cáo ĐTM đối với dự án nguồn điện. Đây cũng là một trong những nội dung của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Đề tài khi đã nêu rõ được thực trạng báo cáo ĐTM đối với các dự án nguồn điện, thực trạng kiểm toán môi trường của KTNN, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức kiểm toán báo cáo ĐTM.
Từ kinh nghiệm thực tiễn tham gia nhiều đoàn kiểm toán môi trường, ông Đào Quang Minh - KTNN chuyên ngành III nhấn mạnh: Báo cáo ĐTM chỉ là một phần việc trong hoạt động bảo vệ môi trường. Do đó, kiểm toán báo cáo ĐTM khác với kiểm toán mối trường cả về đối tượng, nội dung, phạm vi kiểm toán. Đối tượng kiểm toán của cuộc kiểm toán môi trường là toàn bộ hoạt động bảo vệ môi trường từ khi phê duyệt, thực hiện, khai thác đến khi kết thúc dự án. Đối tượng kiểm toán của cuộc kiểm toán báo cáo ĐTM chỉ là báo cáo ĐTM.
Từ đối tượng, nội dung, phạm vi khác nhau như vậy, nhóm tác giả cần tập trung làm rõ thực trạng tác động môi trường của các dự án thủy điện, nhiệt điện, điện gió…; đánh giá thực trạng kiểm toán các báo cáo ĐTM đối với từng dự án, từng nguồn điện, từ đó đề xuất cẩm nang hoặc hướng dẫn kiểm toán báo cáo ĐTM tương ứng cho từng nguồn điện năng.
Theo ông Trịnh Minh Thắng - KTNN chuyên ngành III, bên cạnh các dự án thủy điện, nhiệt điện, điện gió, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển điện năng lượng mặt trời. Đây sẽ là một nguồn điện lớn trong tương lai cần được đánh giá tác động môi trường cũng như sự tham gia của KTNN để đánh giá báo cáo ĐTM.
Bên cạnh đó, để các cuộc kiểm toán đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhóm nghiên cứu cần phân tích, làm rõ hơn 2 điều kiện khách quan, đó là: Sự quan tâm của các các lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các bộ ngành lien quan đến công tác bảo về môi trường; Nhận thức của các đơn vị được kiểm toán, các địa phương, cấp quản lý, người dân về kiểm toán môi trường.
Kiểm toán môi trường và kiểm toán báo cáo ĐTM đối với dự án nguồn điện là lĩnh vực khó và mới, vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị: Nhóm nghiên cứu cần có những đánh giá và đề xuất tổ chức kiểm toán riêng cho từng nguồn điện theo cả 3 loại hình kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính; Nghiên cứu sâu các quy định, văn bản hướng dẫn về bảo vệ môi trường, đối chiếu với thực tiễn để có các kiến nghị kịp thời về cơ chế chính sách; bổ sung thêm các kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán môi trường, nhất là về cách thức tổ chức và lập báo cáo kiểm toán…
Kết thúc Hội thảo, ThS. Trần Trí Thành ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia, đồng thời có thêm một số phản hồi thông tin về kết quả nghiên cứu để hoàn thiện đề tài trước khi đưa ra Hội đồng nghiệm thu./.